Quan tâm công tác giáo dục tại các lớp ghép
– Nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã quan tâm, duy trì mô hình lớp ghép ở các xã vùng khó khăn, qua đó nhằm đảm bảo thực hiện tốt việc huy động học sinh tới trường và xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Ðịa bàn duy trì lớp ghép là các bản làng vùng cao, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, số học sinh cùng tuổi theo tiêu chuẩn mỗi lớp thường ít cho nên tổ chức lớp ghép là giải pháp tốt nhất được ngành triển khai. Trước thực trạng đó, để đảm bảo chất lượng giáo dục, sở đã thường xuyên tham mưu với UBND tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học vùng khó; chỉ đạo các trường tiểu học có các lớp ghép ở các điểm trường cố gắng trong lớp ghép 2 trình độ; yêu cầu các nhà trường phân công những giáo viên nhiệt tình, có chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết để giảng dạy…
Lớp ghép 1 3 tại Điểm trường Lũng SLàng, Trường Tiểu học xã Tri Phương, huyện Tràng Định
Theo đó, tính riêng trong giai đoạn 2017 – 2020, thực hiện lộ trình đề án kiên cố hóa trường lớp học các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, từ nguồn vốn được cấp và công tác xã hội hóa, đã có hơn 350 phòng học được xây mới và hơn 400 phòng học cũ, phòng học xuống cấp trong đó có các lớp học ghép sửa chữa, cải tạo. Cùng đó, sở đã quan tâm bổ sung kịp thời trang thiết bị phục vụ học tập cho các trường, ngay trong năm 2021, sở đã thực hiện bàn giao 507 bộ bàn ghế giáo viên, 5.439 bộ bàn ghế học sinh, trị giá gần 11 tỷ đồng cho các nhà trường, đảm bảo đáp ứng công tác dạy, học, nhất là ở các lớp ghép vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Cô Lương Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Nhất Hoà, huyện Bắc Sơn cho biết: Trường có 1 trường chính và 6 điểm trường lẻ với tổng số 23 lớp, 344 học sinh, trong đó có 10 lớp ghép (9 lớp ghép 2 trình độ, 1 lớp ghép 3 trình độ). Được sự quan tâm của ngành giáo dục và UBND huyện, hiện nay đa số các lớp học ghép đã được xây dựng kiên cố và được trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy và học.
Về việc bố trí trình độ dạy lớp ghép, thời gian qua, ngành giáo dục quan tâm bố trí lớp ghép 2 trình độ nhằm đảm bảo chất lượng dạy học. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 204 lớp học ghép cấp tiểu học với hơn 2.000 học sinh thì có tới 192 lớp ghép 2 trình độ (1 2, 2 3, 3 4, 4 5, 2 4, 3 5), chiếm trên 94% và chỉ còn 12 lớp ghép 3 trình độ với 112 học sinh, chiếm gần 6%.
Cùng với sự quan tâm đó, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy lớp ghép được sở quan tâm thường xuyên. Cụ thể hằng năm, 100% giáo viên dạy lớp ghép đều được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ qua các đợt bồi dưỡng tập trung hè, các buổi sinh hoạt chuyên môn của các cụm trường, các trường, tổ. Đội ngũ giáo viên dạy lớp ghép được ban giám hiệu các nhà trường lựa chọn phù hợp, phân công những giáo viên nhiệt tình, có chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết để giảng dạy, chăm sóc học sinh. Hiện tại, 229/249 giáo viên dạy lớp ghép đạt chuẩn về trình độ đào tạo (đạt tỷ lệ 92%). Đồng thời các trường ưu tiên bố trí giáo viên cùng dân tộc với học sinh dạy lớp ghép để thuận lợi trong giao tiếp, hiểu được phong tục tập quán địa phương, hỗ trợ đắc lực cho quá trình tổ chức dạy học.
Tại Trường Tiểu học xã Tri Phương, huyện Tràng Định, trường hiện có 16 lớp với 370 học sinh. Trong đó, điểm trường Lũng Slàng cách trường chính 8 km, có 2 lớp ghép với 17 học sinh. Cô Hoàng Thị Thảo, là giáo viên dạy lớp 1 3 tại điểm trường cho biết: Để dạy học hiệu quả, trong các tiết dạy tôi phân phối thời gian, kiến thức để giảng dạy cho phù hợp với 2 trình độ của 2 lớp khác nhau. Dù công việc vất vả hơn song tôi luôn chủ động khắc phục, dành thời gian giảng dạy, chăm sóc học trò, đảm bảo vừa dạy lý thuyết vừa gắn với thực hành để các em tiếp thu tốt kiến thức.
Với sự quan tâm sát sao của ngành giáo dục, nhiều năm qua, công tác dạy và học của lớp ghép đã đạt kết quả tích cực, góp phần vào thành tích chung trong công tác giáo dục tiểu học của tỉnh. Cụ thể những năm qua, toàn tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành Chương trình tiểu học luôn đạt trên 98%; toàn tỉnh duy trì đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.
Thời gian tiếp theo, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa về việc bố trí đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho giáo viên, và tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ… tại các lớp học ghép.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()