Quan tâm, chăm lo gần nửa triệu công nhân, lao động bị ảnh hưởng việc làm
Với tình trạng đơn hàng sụt giảm, thiếu nguyên liệu sản xuất như hiện nay, một số chuyên gia lao động, công đoàn cảnh báo công nhân, lao động sẽ còn đối mặt với nguy cơ bị mất việc kéo dài từ nay cho đến hết quý I năm 2023, thậm chí sang quý II/2023.
Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất linh kiện cơ khí siêu chính xác tại công ty TNHH Fujikin Bắc Ninh (Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh). (Ảnh ANH SƠN) |
Báo cáo từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 1.230 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động. Trong đó, doanh nghiệp dân doanh là 646 doanh nghiệp (chiếm 52,27%); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 590 (chiếm 47,73%).
Những con số báo động
Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều là dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí, với tổng số lao động bị ảnh hưởng khoảng hơn 470 nghìn người. Lao động bị ảnh hưởng bao gồm bị thôi việc, mất việc, giảm giờ làm, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương làm việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Tại các khu công nghiệp có hơn 172 nghìn công nhân, lao động bị ảnh hưởng. Đáng chú ý, có hơn 30 nghìn lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và gần 9.500 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng. Tính tới thời điểm hiện nay, có 30 doanh nghiệp nợ lương của gần 7.000 lao động với tổng số tiền hơn 110 tỷ đồng; 121 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của hơn 32.000 lao động, với tổng số tiền gần 240 tỷ đồng.
Các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng, việc các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh khiến nhiều người lao động mất việc là điều cả hai đều không mong muốn. Trong trường hợp không thể giải quyết được vấn đề việc làm, doanh nghiệp cần thực hiện quy trình cắt giảm việc làm, lao động theo đúng quy định của pháp luật, tránh xảy ra tranh chấp đáng tiếc.
Sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ của người lao động. Không loại trừ trường hợp doanh nghiệp lợi dụng tình hình để thanh lọc, đẩy người lao động từ hơn 35 tuổi ra khỏi doanh nghiệp để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn.
Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động diễn ra vào những ngày cuối tháng 11/2022, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm 2022 trên địa bàn cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so cùng kỳ năm 2021.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngừng việc tập thể là do người lao động trải qua thời gian khó khăn, giảm sút thu nhập, tích lũy sau hơn hai năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19; tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh trong năm 2020, 2021. Nhiều doanh nghiệp không tăng lương, thậm chí còn cắt giảm các khoản trợ cấp, phụ cấp, phúc lợi của người lao động; một số doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động; người lao động đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp theo mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Khi các cuộc ngừng việc xảy ra, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực tham gia ổn định tình hình, phối hợp với liên ngành hỗ trợ các bên giải quyết. Qua đó, đa số đề xuất, kiến nghị chính đáng của người lao động được doanh nghiệp đồng thuận, cam kết thực hiện.
Chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 thật tốt
Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng) nhận định: Tình hình công nhân lao động mất việc tương đối lớn, xảy ra vào dịp cuối năm có thể dẫn đến công nhân không được giải quyết chế độ tiền lương, tiền thưởng Tết. Bên cạnh đó, đối tượng công nhân chuyển đến doanh nghiệp mới làm việc trong thời điểm này cần được quan tâm về chế độ tiền lương, tiền thưởng Tết, bảo hiểm xã hội. Từ nay đến cuối năm, tình hình tranh chấp lao động, nhất là tiền lương, tiền thưởng có thể gia tăng. Công đoàn cần giám sát để tránh trường hợp doanh nghiệp chưa thật sự khó khăn nhưng lợi dụng dịp này để sa thải người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn trực thuộc chủ động nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động… để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, của đoàn viên, người lao động để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và công bố tới toàn thể người lao động trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết: Trong quý IV/2022, các cấp Công đoàn cần tập trung chăm lo Tết cho người lao động thật tốt, trong đó tập trung chăm lo cho đối tượng khó khăn, nhất là những người lao động thiếu việc làm, nghỉ việc. Dự báo, năm nay, số lượng công nhân, lao động về quê đón Tết sẽ nhiều hơn, do vậy, các cấp Công đoàn cần làm tốt hơn nữa hoạt động tổ chức đưa đón công nhân về quê an toàn.
Các đơn vị liên quan cần chủ động đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc trên cơ sở giữ nhiều nhất có thể số lượng người lao động có việc làm, thu nhập, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng với người lao động. Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng lao động, yêu cầu doanh nghiệp bảo đảm quy trình, quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật, đóng góp của người lao động đối với doanh nghiệp.
Giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện để bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người lao động. Triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động; bảo đảm quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là lao động nữ, trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ, lao động từ 35 tuổi trở lên, có hoàn cảnh khó khăn, là người khuyết tật… trong trường hợp bị giảm giờ làm, mất việc làm.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ có buổi họp thống nhất nội dung liên quan đến tình hình doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng cũng như mất việc, thiếu việc của người lao động. Các đơn vị báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình khó khăn, cắt giảm thời giờ làm việc, việc làm của người lao động, từ đó đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ có giải pháp tháo gỡ, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời trên phạm vi cả nước, ở những ngành, địa phương khó khăn, có nhiều công nhân, lao động bị ảnh hưởng.
Trong đó, kiến nghị Chính phủ có các giải pháp: hỗ trợ tiền nhà trọ, có chính sách đào tạo, đào tạo lại nâng cao tay nghề cho công nhân, có gói hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, thu hút đầu tư giảm tình trạng thiếu đơn hàng.
Ý kiến ()