Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào Khmer vùng Tây Nam bộ
Theo Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang, năm 2015, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tiếp tục tập trung nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào Khmer vùng Tây Nam bộ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tăng cường vận động, xã hội hóa góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống cho người dân tại các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, các hộ dân Khmer nghèo, cận nghèo. Tại tỉnh Trà Vinh, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng địa phương tranh thủ các nguồn vốn, vận động hỗ trợ để xây dựng, đưa vào sử dụng trường Dân tộc nội trú tỉnh Trà Vinh với tổng trị giá trên 20 tỉ đồng, góp phần chăm lo giáo dục cho con em đồng bào Khmer. Tại tỉnh Sóc Trăng, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ vận động hỗ trợ xây dựng Bệnh viện huyện Vĩnh Châu – nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống, góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ quan tâm phối hợp các đơn vị, tổ chức, ban ngành liên quan nhằm hỗ trợ, kêu gọi đầu tư xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, đáp ứng nhu cầu học tập của đồng bào Khmer ở thành phố Cần Thơ và cả khu vực Tây Nam bộ. Cùng với đó, năm 2015, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ dành nhiều chương trình đào tạo nghề, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân Khmer nghèo, cận nghèo.
Vào các dịp lễ, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và các cấp chính quyền tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ thiết thực. Dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2015 của đồng bào Khmer, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức 4 đoàn đi 9 tỉnh, thành phố trong khu vực để thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết đồng bào. Các đoàn đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà tới 18 cán bộ hưu trí người Khmer, 8 Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, 34 chùa Khmer và 170 hộ Khmer nghèo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.
Theo Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang, năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đạt được những thành quả vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,9%; giá trị sản xuất lương thực toàn vùng đạt hơn 25 triệu tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt trung bình 38 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn hơn 17%./
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()