Quan tâm bảo tồn, tu bổ di tích Đình Làng Mỏ
– Là di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh nhưng Đình Làng Mỏ thuộc thôn Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Trước thực trạng đó, các cấp, ngành của huyện Bắc Sơn và người dân xã Trấn Yên đã và đang quan tâm đến công tác bảo tồn, tu bổ di tích này.
Giữa ruộng lúa bao la, Đình Làng Mỏ nằm lừng lững, uy nghi trên một gò đất bằng phẳng với mặt bằng hình chữ Nhất có diện tích 125,4 m2. Ngôi đình được xây dựng từ năm 1925 và được làm chủ yếu bằng các loại gỗ có độ bền cao như: gỗ nghiến, gỗ lim… Đây là di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật, là nơi thờ Thành hoàng họ Bế và Đức thánh Cao Sơn, Quý Minh.
Dạo một vòng quanh đình, chúng tôi nhận thấy ngôi đình đã xuống cấp trầm trọng. Sau gần một thế kỷ trôi qua, phần khung, cột xà đã bị hư hỏng, hệ thống rui, hoành, các tai đòn bị mục do mối mọt, con rồng trên nóc đình bị đổ, mái bị hư hỏng nhiều chỗ… Ngôi đình với biểu tượng 2 con rồng được chạm khắc tinh tế, đặt trên nóc nhà đã mất đi dáng vẻ uy nghi của xưa kia.
Con rồng trên nóc đình đã bị đổ, mái đình bị hư hỏng nhiều chỗ
Ông Hoàng Văn Chẩn, Trưởng Ban quản lý cụm di tích và di sản xã Trấn Yên cho biết: Ngôi đình có 6 gian với 8 cột giữa (bán kính từ 35 đến 40 cm) và 16 cột phụ (bán kính từ 30 đến 35 cm). Trước đây, phần vách và sàn được làm bằng gỗ, tuy nhiên, vào những năm 1960, vách và sàn đình đã bị người dân tháo dỡ để sử dụng vào việc riêng. Hiện nay, ngôi đình đã xuống cấp nên người dân chúng tôi ai cũng mong ngôi đình sớm được tôn tạo lại.
Theo ông Chẩn, công tác bảo tồn, tu bổ đình được quan tâm nhiều nhất là từ năm 2012, khi lễ hội Ná Nhèm được phục dựng. Vào năm 2012, chính quyền xã đã huy động người dân góp công, góp của được hơn 100 triệu đồng và tiến hành gia cố, chèo chống để ngôi đình “đứng vững” trước nguy cơ bị đổ sụp. Từ đó, cứ mỗi năm, chính quyền và người dân xã Trấn Yên lại tiến hành tu sửa để phục vụ cho công tác tổ chức lễ hội Ná Nhèm như: năm 2014, ngôi đình được xây thêm vách; năm 2015, người dân hiến đất để xây thêm khuôn viên sân phía trước đình…
Tuy nhiên, giải pháp trên chỉ mang tính tạm thời, công tác tôn tạo gặp không ít khó khăn do cần nguồn kinh phí lớn, trong khi đó, ngân sách địa phương và nguồn lực của người dân có hạn. Ông Phạm Bá Phương, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên cho biết: Trước thực trạng xuống cấp của Đình Làng Mỏ, từ cuối năm 2018, UBND xã đã đề nghị các cấp, ngành của huyện quan tâm bảo tồn, tu bổ di tích này. Cùng đó, UBND xã tích cực chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể làm công tác vận động, tuyên truyền đến người dân về việc tu bổ đình, từ đó kêu gọi nguồn xã hội hóa của Nhân dân, các nhà hảo tâm…
Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Xác định việc tu bổ di tích Đình Làng Mỏ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, từ đầu năm 2020, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng di tích, hỗ trợ UBND xã Trấn Yên lấy ý kiến người dân, lập hồ sơ để hoàn thiện báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích Đình Làng Mỏ và tham mưu UBND huyện trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Đến tháng 4/2021, UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt tu bổ di tích Đình Làng Mỏ với dự toán kinh phí trên 2 tỷ đồng, trong đó hơn 400 triệu đồng thuộc ngân sách Nhà nước, số còn lại sẽ được kêu gọi từ nguồn xã hội hoá.
Được biết, ngôi đình sẽ được tu bổ theo hướng thay thế mới các thành phần đã bị hư hỏng. Trong đó, 24 cột đình sẽ được thay thế bằng gỗ lim nhập khẩu có thuốc hấp ủ chống mọt, hệ thống mái gỗ được tôn tạo lại với các đường nét, hoa văn chạm khắc, phần mái đình sẽ được lợp ngói âm dương… Công tác tôn tạo, tu bổ phải đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên diện tích, kích thước, vị trí và hệ thống nền móng công trình…
Sau khi quyết định tu bổ được phê duyệt, người dân trên địa bàn xã đều hào hứng và mong chờ công trình đình làng sớm được khởi công xây dựng. Ông Hoàng Văn Cứng, người dân thôn Làng Mỏ cho biết: Đình Làng Mỏ là di tích gắn liền với lễ hội Ná Nhèm và trở thành niềm tự hào của người dân chúng tôi. Vì vậy, người dân ai cũng ý thức được phải bảo vệ và cần chung tay xây dựng lại đình. Mặc dù điều kiện kinh tế còn eo hẹp nhưng gia đình tôi luôn sẵn sàng góp vật chất để tôn tạo đình.
Với sự quan tâm vào cuộc của các cấp ngành liên quan và người dân, tin tưởng rằng, di tích Đình Làng Mỏ sẽ sớm có được diện mạo khang trang, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng và trở thành điểm du lịch tâm linh của du khách thập phương.
Ý kiến ()