Quan tâm bảo tồn di sản múa sư tử của đồng bào Tày, Nùng
(LSO) – Múa sư tử của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn được công nhận là di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia, theo Quyết định số 1852 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), ngày 8/5/2017. Từ đó đến nay, công tác bảo tồn di sản này càng được các cấp, ngành và nhiều người dân quan tâm, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại.
Múa sư tử của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tên gọi chung, phổ biến nhất vẫn là múa sư tử mèo. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, chứa đựng nhiều thành tố như: âm nhạc, múa, võ thuật…, thể hiện một cách sinh động và hấp dẫn về nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm và khát vọng của đồng bào Tày, Nùng Lạng Sơn. Hằng năm, nhất là vào các dịp lễ hội xuân, khắp nơi lại rộn ràng múa sư tử mèo. Nó như hồn cốt của sự kiện, tạo nên tính riêng có ở Lạng Sơn, góp phần níu chân, hút khách du lịch…
Đội múa sư tử xã Hải Yến, huyện Cao Lộc trình diễn tại ngày hội văn hóa của xã
Những năm qua, các tổ chức, cá nhân từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy di sản múa sư tử. Trong đó, đầu tiên phải kể để công tác truyền dạy của các nghệ nhân và những người am hiểu, tâm huyết. Hiện nay, toàn tỉnh có 602 nghệ nhân có thể thực hành các điệu múa, trò diễn; có gần 140 nghệ nhân có khả năng truyền dạy; 57 nghệ nhân có khả năng chế tác đầu sư tử và các đạo cụ liên quan… Ông Hoàng Văn Choóng, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng chia sẻ: Sau khi nghỉ hưu, từ năm 2002 đến nay, tôi đã chế tác bán gần 200 bộ đạo cụ múa sư tử cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Đồng thời, tôi còn truyền dạy múa sư tử cho nhiều thế hệ người dân trên địa bàn với mong muốn loại hình nghệ thuật này phát triển, không bị mai một…
Cũng như ông Choóng, những người có kinh nghiệm và tâm huyết với múa sư tử đã góp phần phát triển loại hình nghệ thuật này trên địa bàn. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 79 đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng với hơn 910 thành viên, phân bố ở nhiều thôn, bản, khối phố của 40 xã, phường, thị trấn.
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Bên cạnh hoạt động truyền dạy tự phát trong Nhân dân, từ năm 2016 đến nay, sở đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 55 lớp truyền dạy múa sư tử tại cơ sở, thu hút khoảng 160 học viên tham gia. Những học viên này từng bước trở thành hạt nhân để phổ biến, truyền dạy trong cộng đồng dân cư, góp phần bảo lưu, trao truyền điệu múa truyền thống.
Bên cạnh đó, múa sư tử là một trong những loại hình nghệ thuật được các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm đưa vào trình diễn, giới thiệu, quảng bá trong các hoạt động, sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh. Cụ thể như: Tuần văn hóa, thể thao và du lịch; Liên hoan du lịch Mẫu Sơn (các năm: 2016, 2017, 2018, 2019, 2020)… Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, cấp tỉnh và cấp huyện đã tổ chức được 2 hội thi, hội diễn về múa sư tử, thu hút hàng chục đội và hàng trăm nghệ nhân tham gia giao lưu, trình diễn.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản múa sư tử của đồng bào Tày, Nùng, năm 2020, Sở VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, thu thập thông tin, tư liệu về di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn một cách khoa học, đồng bộ, có hệ thống. Trên cơ sở đó, xây dựng nội dung, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn bảo đảm phù hợp, hiệu quả…
Ý kiến ()