Quan tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng đặc dụng Hữu Liên
(LSO) – Những năm qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) được các cấp, ngành ở Việt Nam nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng đặc biệt quan tâm. Trong đó, rừng đặc dụng Hữu Liên, huyện Hữu Lũng là một điển hình trong thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH, góp phần giảm thiểu đáng kể tác động tiêu cực của con người đến các loài động, thực vật.
Rừng đặc dụng Hữu Liên có diện tích 8.293,4 ha, trải rộng trên địa bàn 5 xã thuộc 3 huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan. Đây là nơi sinh sống, canh tác của nhiều địa bàn dân cư từ lâu đời nay. Từ năm 2015 đến nay, bằng nhiều biện pháp kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục với cân đối lợi ích cùng người dân, khu rừng đặc dụng đã và đang gìn giữ, phục hồi, phát triển được nhiều nguồn gen quý hiếm.
Anh Hồ Hoàn Kiếm, Trưởng Phòng Giáo dục môi trường và Bảo vệ Môi trường rừng, Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: Trong giai đoạn 2015 – 2020, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Cụ thể, đã tổ chức được 288 hội nghị với 19.890 lượt người nghe; thường xuyên tuyên truyền qua loa phóng thanh (611 lần) tại các địa phương, xe lưu động (204 lần) trên các tuyến đường; cắm 50 biển tuyên truyền, phát 5.400 tờ rơi… liên quan đến công tác bảo vệ rừng, động vật hoang dã và các nguồn gen quý hiếm trong khu vực.
Cán bộ BQL rừng đặc dụng Hữu Liên kiểm tra các mẫu tiêu bản trưng bày tại đơn vị
Cùng với đó, BQL rừng đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, đánh giá, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các loài động, thực vật trong khu vực. Qua đó, đã xây dựng được hệ thống hình ảnh mô tả về 961 loài thực vật, 776 loài động vật. Đặc biệt, lưu giữ được 880 mẫu tiêu bản của 250 loài động, thực vật trong khu vực rừng đặc dụng, tăng 695 mẫu so với năm 2015.
Song song với đó, công tác kiểm soát và giảm thiểu các mối đe dọa đến ĐDSH thông qua kiểm soát, ngăn chặn khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã; diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát ô nhiễm môi trường… cũng được tiến hành thường xuyên, phối hợp đồng bộ giữa BQL rừng với chính quyền và người dân sở tại.
Ông Hoàng Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Liên cho biết: Xã có 7 thôn nằm trọn trong khu rừng đặc dụng. Hằng năm, bà con trong xã đều được giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, được tham gia như một đối tác trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Tổng số tiền các hộ dân nhận hỗ trợ từ giao khoán là gần 1,6 tỉ đồng/năm. Với các thôn, bản tham gia tích cực, được nhận thêm kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng/ hộ/năm. Đồng thời, bà con trong xã đã tận dụng nhiều lợi ích từ ĐDSH để phát triển du lịch sinh thái, xây dựng và phát triển các làng du lịch cộng đồng. Nhờ đó, họ có thêm thu nhập, tin tưởng vào cách làm của BQL rừng, của các cấp chính quyền và càng nỗ lực hơn trong công tác bảo vệ rừng và ĐDSH.
Ông Phạm Văn Cấp, Phó Giám đốc Phụ trách BQL rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến ĐDSH; thực hiện hiệu quả việc bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH và cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, nâng cao hơn nữa hiệu quả từ các mô hình có sự tham gia của cộng đồng…
Nhờ những định hướng đúng đắn, cách làm hiệu quả, công tác bảo tồn ĐDSH tại rừng đặc dụng Hữu Liên đã và đang đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
ĐDSH là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. ĐDSH bao gồm đa dạng về gen, loài và hệ sinh thái. ĐDSH có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển bền vững của nhân loại, đồng thời, còn mang lại nhiều giá trị về kinh tế, môi trường và cuộc sống cho con người. |
Ý kiến ()