Quân sự thế giới hôm nay (6-3): Nga tái sản xuất động cơ cho “máy bay bà già” An-2
Quân sự thế giới hôm nay (6-3) có những nội dung sau: Tiêm kích F-35B trang bị tên lửa AGM-158C lần đầu bay thử nghiệm thành công; Thổ Nhĩ Kỳ triển khai xuồng không người lái ULAQ KAMA và ULAQ 12 ASuW; Nga tái sản xuất động cơ cho “máy bay bà già” An-2.
* Tiêm kích F-35B trang bị tên lửa AGM-158C lần đầu bay thử nghiệm thành công
Theo thông tin do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, biến thể máy bay chiến đấu cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) F-35B trang bị tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C (LRASM) đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại Căn cứ không-hải quân Patuxent River (Pax River) ở Maryland, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực nâng cao khả năng tấn công của F-35B trong các hoạt động trên biển.

Trong quá trình thử nghiệm, F-35B được lắp 2 tên lửa AGM-158C trên các giá treo vũ khí bên ngoài, một cấu hình nhấn mạnh tính linh hoạt ngày càng tăng của máy bay trong chiến đấu.
AGM-158C (LRASM) là tên lửa tiên tiến, phóng từ trên không, được thiết kế riêng cho tác chiến chống hạm tầm xa. Khả năng tấn công các mục tiêu trên biển có giá trị cao như tàu chiến, căn cứ hải quân và thậm chí cả tàu thương mại của đối phương ở tầm xa khiến tên lửa trở thành một vũ khí mạnh mẽ cho các cuộc giao tranh trên biển hiện đại. Điểm khác biệt của LRASM là công nghệ tìm kiếm mạnh, bao gồm hệ thống dẫn đường hồng ngoại và radar tiên tiến. Điều này cho phép tên lửa hoạt động hiệu quả trong môi trường có sự cạnh tranh, nơi hệ thống định vị toàn cầu GPS và các hệ thống dẫn đường truyền thống khác có thể bị suy giảm hoặc không thể tiếp cận. LRASM được trang bị đầu đạn xuyên giáp nặng 453kg, đảm bảo hiệu quả ngay cả khi chống lại các mục tiêu được bọc thép dày. Với tầm bắn hơn 370km, tên lửa cung cấp khả năng tấn công tầm xa, cho phép phi công tấn công tàu đối phương từ khoảng cách an toàn, do đó giảm thiểu khả năng bị tấn công bằng vũ khí phòng không.
Việc tích hợp AGM-158C vào F-35B giúp tăng cường khả năng thực hiện nhiệm vụ chống hạm của máy bay, giải quyết những lỗ hổng quan trọng trong khả năng tấn công chống hạm hiện có của Hải quân Mỹ.
* Thổ Nhĩ Kỳ triển khai xuồng không người lái ULAQ KAMA và ULAQ 12 ASuW
Theo Anadolu Ajansi, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa vào kho vũ khí 2 xuồng không người lái mới, ULAQ KAMA và ULAQ 12 ASuW, do hai công ty quốc phòng hàng đầu Ares Shipyard và Meteksan Defense cùng phát triển. Các hệ thống không người lái này được thiết kế để tăng cường năng lực hàng hải cũng như nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.

ULAQ KAMA và ULAQ 12 ASuW có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ, từ tác chiến chống tàu nổi đến tàu ngầm, bao gồm các nhiệm vụ trinh sát và hỗ trợ cho các đơn vị hải quân thông thường.
ULAQ 12 ASuW có chiều dài 12m, được thiết kế riêng cho tác chiến chống tàu mặt nước. Xuồng được trang bị một trạm vũ khí điều khiển từ xa có pháo 12,7mm và hệ thống điều khiển tên lửa chiến thuật, có khả năng phóng tên lửa dẫn đường bằng laser. Cấu hình này cung cấp khả năng tấn công chính xác được tối ưu hóa để tấn công các mục tiêu trên biển và ven biển. Sau giai đoạn thử nghiệm ban đầu thành công, ULAQ 12 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý đầu tiên của năm 2025.
ULAQ KAMA có chiều dài 6,5m và có thể mang theo tải trọng thuốc nổ nặng 200kg. Xuồng được thiết kế riêng để nhắm vào các mục tiêu chiến lược như tàu và cơ sở hạ tầng cảng của đối phương. Được phát triển với sự hợp tác của công ty quốc phòng MKE, xuồng được trang bị hệ thống lựa chọn mục tiêu tiên tiến. Thuật toán của nó cho phép xác định và tấn công mục tiêu một cách tự động, ngay cả trong môi trường mà các biện pháp đối phó chiến tranh điện tử làm gián đoạn liên lạc. ULAQ KAMA đã được tăng cường tính tự chủ và tối ưu hóa khả năng dẫn đường, cho phép nó hoạt động bí mật ở các khu vực có tranh chấp.
Việc tích hợp ULAQ 12 ASuW và ULAQ KAMA vào kho vũ khí của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ là một bước tiến trong việc phát triển một đội tàu không người lái tiên tiến hơn về mặt công nghệ.
* Nga tái sản xuất động cơ cho “máy bay bà già” An-2
TASS đưa tin, Nga vừa công bố kế hoạch khởi động lại việc sản xuất động cơ tua bin cánh quạt TVD-10 để hỗ trợ quá trình hiện đại hóa máy bay hai tầng cánh Antonov An-2 Kukuruznik.

Viện Nghiên cứu Khoa học Hàng không Siberia (SibNIA) có kế hoạch sản xuất nguyên mẫu An-2 được trang bị động cơ TVD-10B vào mùa hè năm nay, trong khi việc sản xuất động cơ này sẽ được tái lập tại Cục thiết kế Omsk. Quyết định này được đưa ra sau việc cung cấp động cơ VK-800 do UZGA phát triển bị chậm chễ, dẫn đến việc phải tiếp tục sử dụng mẫu TVD-10 cũ hơn để đảm bảo khả năng vận hành của máy bay ít nhất cho đến năm 2030.
TVD-10B là phiên bản cải tiến của TVD-10. Nó vẫn giữ nguyên các đặc điểm cấu trúc giống như phiên bản trước, với công suất cất cánh là 1.025 mã lực và trọng lượng rỗng là 230kg. Động cơ được thiết kế để hoạt động trong thời gian lên đến 10.000 giờ.
An-2 là máy bay hai tầng cánh một động cơ, được cung cấp năng lượng bởi động cơ xuyên tâm Shvetsov ASh-62IR với công suất cất cánh là 1.000 mã lực. Tốc độ tối đa của máy bay là 258km/giờ và trần bay là 4.500m. Trọng lượng rỗng của An-2 dao động từ 3.400 đến 3.690kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 5.500kg. Máy bay có cánh nan tự động triển khai ở tốc độ thấp, cho phép duy trì chuyến bay có kiểm soát ở tốc độ thấp 50km/giờ. Máy bay này được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự và tiếp tục hoạt động ở những khu vực đòi hỏi khả năng cất cánh và hạ cánh trên đường băng ngắn.

Ý kiến ()