Quân sự thế giới hôm nay (6-2): Ấn Độ mua tên lửa hành trình của Nga
Quân sự thế giới hôm nay (6-2) có những nội dung sau: Ấn Độ mua tên lửa hành trình của Nga; Philippines mua thêm pháo tự hành 155mm? Thổ Nhĩ Kỳ phát triển máy bay không người lái xuyên giáp MERKUT.
* Ấn Độ mua tên lửa hành trình của Nga
Mới đây, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo rằng quốc gia này đã chính thức ký hợp đồng với Nga để mua tên lửa hành trình chống hạm, nhằm tăng cường khả năng hoạt động của đội tàu ngầm.
Mặc dù số lượng tên lửa và thời gian giao hàng chính xác chưa được tiết lộ nhưng Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã xác nhận rằng số vũ khí này sẽ được trang bị cho tàu ngầm lớp Sindhughosh. Việc tích hợp các tên lửa hành trình này dự kiến sẽ tăng cường khả năng tấn công và cải thiện khả năng tiến hành các hoạt động hải quân tầm xa của đội tàu ngầm.
Sindhughosh là lớp tàu ngầm tấn công diesel-điện được chế tạo tại Nga và được đưa vào biên chế Hải quân Ấn Độ từ năm 1986.
Với chiều dài 72,6m và lượng giãn nước khi lặn là 3.076 tấn, tàu có thể đạt tốc độ tối đa 35,18km/giờ khi lặn và lặn ở độ sâu lên tới 300m. Lớp Sindhughosh có phạm vi hoạt động là 11.112km khi sử dụng ống thở và có thể duy trì hoạt động trong tối đa 45 ngày.
Lớp Sindhughosh được thiết kế để giao chiến với các mục tiêu trên và dưới nước. Tàu được trang bị ngư lôi hạng nặng 533mm, thủy lôi DM-1 và tên lửa hành trình chống hạm Klub-S (SS-N-27). Những tên lửa này tăng cường khả năng giao chiến với các mục tiêu trên biển và đất liền ở tầm xa.
Mặc dù thông tin chi tiết cụ thể về các tên lửa đặt mua chưa được xác nhận chính thức, nhưng việc tích hợp chúng vào tàu ngầm lớp Sindhughosh cho thấy chúng có thể là tên lửa 3M-54 Klub-S, một biến thể xuất khẩu của 3M-54 Kalibr (SS-N-27 Sizzler).
Được phát triển bởi Cục thiết kế Novator của Nga, tên lửa này có tầm bắn 220-300km, tùy thuộc vào biến thể và sử dụng động cơ phản lực với bộ tăng cường nhiên liệu rắn.
Giai đoạn cuối siêu thanh của tên lửa giúp tăng khả năng sống sót trước các hệ thống phòng không của đối phương.
* Philippines mua thêm pháo tự hành 155mm?
Theo Eyorio, Lực lượng vũ trang Philippines có ý định mua thêm pháo tự hành 155mm trong năm nay.
Quân đội Philippines hiện đang vận hành 12 pháo tự hành ATMOS 2000 155mm của Israel.
Pháo tự hành ATMOS 2000 đã được Quân đội Philippines mua thông qua một thỏa thuận trị giá 40,8 triệu USD với Israel.
Hợp đồng đã được hoàn tất vào đầu năm 2020 và việc giao hàng hoàn thành vào tháng 12-2021. ATMOS lần đầu được triển khai vào năm 2024 trong cuộc tập trận CATEX Katihan tại Trại O'Donnell.
ATMOS 2000 là pháo tự hành cỡ nòng 155mm của Israel lắp trên khung gầm xe tải 6x6.
Hệ thống này có tầm bắn tối đa hơn 40km khi sử dụng đạn pháo ERFB-BB. Khi dùng đạn pháo nổ mạnh NATO L15, hệ thống có tầm bắn 30km và tầm bắn là 24,5km với đạn pháo M107. Hệ thống này có thể bắn 4-9 viên mỗi phút và được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực vi tính để xác định và ngắm mục tiêu.
Ngoài ATMOS, Quân đội Philippines đang vận hành nhiều hệ thống pháo khác, bao gồm pháo kéo Soltam M-71 155mm, pháo kéo M114A1 155mm, lựu pháo M101 và M102 105mm, lựu pháo OTO Melara Model 56.
Quân đội Philippines cũng sử dụng hệ thống cối tự hành Cardom 120mm và nhiều mẫu cối khác nhau, như M224 60mm và M69 81mm.
* Thổ Nhĩ Kỳ phát triển máy bay không người lái xuyên giáp MERKUT
Thổ Nhĩ Kỳ mới đây vừa ra mắt một mẫu máy bay không người lái (UAV) FPV cảm tử có tên gọi MERKUT tại Hội chợ quốc phòng và hàng không vũ trụ SAHA EXPO 2024.
Sự kiện ra mắt này phản ánh sự phát triển nhanh chóng của máy bay không người lái FPV trong chiến tranh hiện đại.
MERKUT được phát triển chỉ trong 8 tháng; trong thời gian đó, công ty đã tối ưu hóa các giai đoạn thiết kế, xác thực và tích hợp đạn dược.
Được phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của chiến trường, UAV này có thời gian bay là 20 phút và phạm vi hoạt động lên tới 8km. Nó được trang bị hệ thống đạn phân mảnh có dẫn đường nhằm vô hiệu hóa hiệu quả lực lượng đối phương.
Tính năng chính của MERKUT là bộ kích nổ tự động, cho phép người vận hành đặt khoảng cách nổ từ 20cm đến 5m, đảm bảo độ chính xác cao hơn đồng thời giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng.
UAV kết hợp cơ chế đánh lửa kép, cả cơ học và điện tử, để ngăn ngừa phát nổ ngoài ý muốn trong trường hợp trục trặc hoặc hủy nhiệm vụ. Nếu cần, máy bay có thể được thu hồi và lưu trữ để sử dụng sau.
Ngoài ra, thiết bị an toàn còn được tích hợp vào bộ kích nổ của UAV để ngăn ngừa tình trạng quá nhiệt có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động.
Các kỹ sư của SAVX Technology đang phát triển các biến thể trang bị đạn xuyên giáp và tích hợp cáp quang để tăng tính linh hoạt của MERKUT. Bên cạnh đó, công ty cũng đang phát triển các thuật toán phát hiện và theo dõi mục tiêu hiện đại để hỗ trợ người vận hành và cải thiện hiệu quả tấn công.
Ngoài khả năng tấn công, MERKUT được thiết kế để đảm bảo an ninh hoạt động tối ưu.
Nó có thể được kết nối với hệ thống liên lạc bên ngoài, đảm bảo truyền dữ liệu đáng tin cậy trong mọi trường hợp. Hơn nữa, nó được trang bị camera ảnh nhiệt, cho phép giao tranh trong điều kiện cả ngày và đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.
- Thời tiết hôm nay (6-2): Bắc Bộ chuẩn bị đón rét đậm
- Quân sự thế giới hôm nay (5-2): Quốc gia Đông Nam Á nào sắp nhận một loạt tiêm kích F/A-18?
- Tin thể thao (6-2): Newcastle loại Arsenal ở Carabao Cup
- Giá vàng hôm nay (6-2): Tăng mạnh trước ngày vía Thần Tài
- Giá xăng dầu hôm nay (6-2): Xăng trong nước lập hat-trick giảm?
- Tỷ giá USD hôm nay (6-2): Đồng USD rớt khỏi mốc 108
Ý kiến ()