Quân sự thế giới hôm nay (13-12): Nga thử nghiệm vòi phun động cơ phẳng trên máy bay chiến đấu Su-57
Quân sự thế giới hôm nay (13-12-2024) gồm các nội dung: Nga thử nghiệm vòi phun động cơ phẳng trên máy bay chiến đấu Su-57, Israel chi 780 triệu USD mua tàu tên lửa, Cộng hòa Czech sẽ tiếp nhận 14 xe tăng Leopard 2A4.
Nga thử nghiệm vòi phun động cơ phẳng trên Su-57
Nga đã bắt đầu tiến hành các bài bay thử nghiệm máy bay chiến đấu Su-57 với vòi phun động cơ phẳng. Các bài thử nghiệm này được tiến hành trên nguyên mẫu máy bay Su-57 mang số hiệu “052,” có sử dụng loại vòi phun cánh phẳng mới. Tuy nhiên, mục đích cụ thể của các bài kiểm tra này vẫn chưa được xác định rõ, bởi vòi phun phẳng ban đầu được lên kế hoạch lắp đặt trên các máy bay không người lái S-70 Okhotnik-B (hay còn gọi là Hunter-B) của Nga.
Loại vòi phun phẳng này cũng được sử dụng trên các máy bay chiến đấu F-22 Raptor trang bị động cơ Pratt & Whitney F119 của Mỹ với khả năng điều chỉnh véc tơ lực đẩy để cải thiện khả năng cơ động ở tốc độ thấp.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang nỗ lực phát triển một loại động cơ mới cho máy bay Su-57, được gọi là động cơ giai đoạn 2 của "Izdeliye 30." Loại động cơ này được kỳ vọng sẽ tăng cường hiệu suất hoạt động cũng như khả năng tàng hình của máy bạy. Hiện tại, các nguyên mẫu thử nghiệm và phiên bản Su-57 trong biên chế vẫn đang sử dụng động cơ AL-41F1/S, loại động cơ cũng được sử dụng trên các máy bay chiến đấu hạng nặng như Su-35.
Trên động cơ AL-41F1S, góc điều khiển bị giới hạn ở mức tối đa ±20° trên mặt phẳng thẳng đứng. Điều này cũng được thể hiện trên vòi phun phẳng được lắp đặt trên nguyên mẫu Su-57, không giống hoàn toàn với vòi phun của F-22 Raptor vì có một góc nghiêng nhất định.
Theo truyền thông Nga, chương trình thử nghiệm vòi phun động cơ phẳng trên máy bay Su-57 được xem như một bước đột phá quan trọng trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu phản lực của nước này, dù ở thời kỳ Liên Xô trước đây, các thử nghiệm tương tự đã được thực hiện trên máy bay Su-27LL-UV(PS) sử dụng động cơ AL-31FU.
Israel chi 780 triệu USD mua tàu tên lửa
Bộ Quốc phòng Israel (IMOD) vừa công bố hợp đồng mua 5 tàu tên lửa hiện đại “Reshef” với tổng trị giá 780 triệu USD từ Nhà máy đóng tàu Israel. Thỏa thuận này đã được Ủy ban liên hợp Ngân sách quốc phòng của Quốc hội Israel và Ủy ban mua sắm trực thuộc Bộ Quốc phòng Israel phê duyệt. Đây là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng Hải quân Israel và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Theo kế hoạch, Nhà máy đóng tàu Israel sẽ bàn giao các tàu tên lửa này cho Hải quân Israel trong khoảng thời gian 6 năm, kèm theo tùy chọn đặt mua thêm tàu trong trường hợp gia tăng nhu cầu.
Tàu tên lửa “Reshef” được coi là tàu chiến lớp Sa’ar hiện đại nhất, được phát triển dựa trên sự hợp tác giữa Nhà máy đóng tàu Israel và Hải quân Israel. Tàu được trang bị hệ thống vũ khí tối tân từ các nhà thầu quốc phòng trong nước, mang lại khả năng hỏa lực vượt trội và bảo đảm ưu thế khi tác chiến trên biển.
Những tàu tên lửa mới này sẽ thay thế các tàu “Nirit” thuộc lớp Sa’ar 4.5, những con tàu đã phục vụ Hải quân Israel trong suốt bốn thập kỷ qua và chuẩn bị được loại biên. Việc mua sắm tàu tên lửa mới không chỉ giúp củng cố sức mạnh hải quân của Israel mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất quốc phòng nội địa của nước này.
Cộng hòa Czech sẽ tiếp nhận 14 xe tăng Leopard 2A4
Cộng hòa Czech sắp tiếp nhận thêm 14 xe tăng Leopard 2A4 theo điều khoản trong thỏa thuận mua sắm trị giá khoảng 161 triệu Euro với Tập đoàn Rheinmetall (Đức), thông báo của tập đoàn công bố hôm 11-12 cho biết. Số xe tăng này có nguồn gốc từ kho dự trữ quân sự của Thụy Sĩ. Chúng sẽ được tân trang và tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu cụ thể của quân đội Cộng hòa Czech.
Thỏa thuận được ký kết bởi Tiến sĩ Bjorn Bernhard, Giám đốc điều hành của Rheinmetall Landsysteme GmbH, và ông Lubor Koudelka, Cục trưởng Cục Vũ khí và Mua sắm thuộc Bộ Quốc phòng Cộng hòa Czech. Ngoài ra, thỏa thuận này còn bao gồm gói hỗ trợ đạn dược và hậu cần toàn diện nhằm bảo đảm khả năng hoạt động lâu dài của những chiếc xe tăng Leopard 2A4.
Leopard 2A4 là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực do Tập đoàn Rheinmetall (Đức) phát triển, được sử dụng rộng rãi bởi nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước châu Âu như Áo, Phần Lan và Ba Lan, cũng như các quốc gia khác như Chile và Ukraine. Chiếc xe tăng này được thiết kế tối ưu kết hợp giữa sức mạnh hỏa lực, khả năng phòng vệ và tính cơ động trên chiến trường. Leopard 2A4 được trang bị pháo nòng trơn 120mm L55 có thể bắn nhiều loại đạn, cùng với súng máy đồng trục 7.62mm và một súng máy 7.62mm khác gắn trên cửa nạp đạn, chủ yếu dùng cho nhiệm vụ phòng không.
Về khả năng bảo vệ, Leopard 2A4 được trang bị giáp nhiều lớp tiêu chuẩn với các cải tiến ở mặt trước của tháp pháo để tăng khả năng chống chịu trước hỏa lực chống tăng. Mặt bên trong tháp pháo cũng được gắn lớp vật liệu đặc biệt để bảo vệ kíp lái khỏi đạn xuyên giáp. Xe cũng được trang bị hệ thống quan sát đêm hồng ngoại và hệ thống bảo vệ trước nguy cơ tấn công hạt nhân, sinh học, hóa học (NBC), giúp xe hoạt động hiệu quả trong các điều kiện môi trường và chiến đấu khác nhau.
Với trọng lượng chiến đấu 62 tấn, Leopard 2A4 vừa có khả năng bảo vệ, vừa duy trì tính cơ động. Xe có tốc độ tối đa trên đường trường là 72km/giờ và phạm vi hoạt động lên đến 500km khi đổ đầy nhiên liệu. Leopard 2A4 được thiết kế với khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh mẽ và khả năng sống sót cao. Xe có kíp lái bốn người, chiều dài 7,7m, chiều rộng 3,7m và chiều cao 3m. Việc mua sắm Leopard 2A4 đánh dấu bước chuyển mình trong quá trình hiện đại hóa lực lượng thiết giáp của Cộng hòa Czech, hoàn tất quá trình chuyển đổi các xe tăng sản xuất từ thời Liên Xô sang dòng xe Leopard 2A4 do Đức sản xuất.
Ý kiến ()