Quân sự thế giới hôm nay (13-1): Tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov hoạt động trở lại?
Quân sự thế giới hôm nay (13-1) có những nội dung sau: Tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov của Nga hoạt động trở lại? Iran công bố cơ sở ngầm chứa hệ thống tên lửa đạn đạo tiên tiến; Australia đặt hàng 44 xe bọc thép Bushmaster mới.
* Iran công bố cơ sở ngầm chứa hệ thống tên lửa đạn đạo tiên tiến
Iran vừa công bố một cơ sở tên lửa ngầm cực kỳ bí mật.
Trong đoạn video do phương tiện truyền thông Iran phát hành, căn cứ ngầm được cho là nơi chứa một số tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng tiên tiến nhất của Iran, bao gồm các hệ thống tên lửa đạn đạo Emad, Qadr và Qiam.
Mỗi tên lửa này đều đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của Iran, vừa là công cụ răn đe, vừa là công cụ tấn công trong kho vũ khí của nước này.
Emad là tên lửa nhiên liệu lỏng tầm xa, được biết đến với hệ thống dẫn đường chính xác tiên tiến. Với tầm bắn khoảng 1.700km, Emad có khả năng nhằm mục tiêu vào các địa điểm chiến lược trên khắp Trung Đông. Tên lửa này có khả năng mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, mặc dù Iran khẳng định chương trình tên lửa của họ vẫn tập trung vào phòng thủ thông thường.
Khả năng cơ động cao và dẫn đường tinh vi của Emad khiến nó trở thành một vũ khí đáng gờm, giúp tăng cường khả năng tấn công chính xác của Iran và làm phức tạp thêm việc đánh chặn của các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Qadr là tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm bắn từ 1.800 đến 2.000km, có khả năng tấn công các mục tiêu trong khu vực, bao gồm các căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Trung Đông.
Là phiên bản cải tiến của Shahab-3, Qadr có độ chính xác, khả năng mang tải trọng và tầm bắn được cải thiện. Tên lửa này có thể được trang bị cả đầu đạn thông thường như đầu đạn nổ mạnh hoặc đầu đạn hóa học và đầu đạn hạt nhân. Hệ thống đẩy nhiên liệu lỏng mang lại sự linh hoạt về khả năng mang tải trọng.
Qiam là tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến trung bình, nổi bật với hệ thống đẩy nhiên liệu rắn và hệ thống dẫn đường quán tính tiên tiến, tầm bắn từ 800 đến 1.000km, Không giống như Emad và Qadr, thiết kế nhỏ gọn và nhiên liệu rắn của tên lửa Qiam cho phép chuẩn bị và phóng nhanh hơn, mang lại sự linh hoạt trong tác chiến.
Quyết định cất giữ các hệ thống tên lửa tiên tiến này trong một cơ sở ngầm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng sống sót của các khí tài chiến lược của Iran, đồng thời cho thấy năng lực tên lửa ngày càng tăng và cam kết tăng cường thế trận phòng thủ của nước này.
* Tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov của Nga hoạt động trở lại?
Các nguồn tin trên Telegram cho biết tàu tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng Đô đốc Nakhimov của Nga đã bắt đầu thử nghiệm trên biển sau quá trình đại tu và hiện đại hóa toàn diện.
Theo đó, lò phản ứng hạt nhân - trái tim của tàu - đã tái khởi động thành công. Tàu Đô đốc Nakhimov đã ngừng hoạt động từ năm 1997 và đã trải qua những nâng cấp đáng kể. Sau khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm, tuần dương hạm dự kiến sẽ tái gia nhập biên chế hoạt động, củng cố năng lực của hạm đội Nga trong khu vực.
Các nâng cấp chính bao gồm lắp đặt 60 tên lửa chống hạm siêu thanh Zircon, tên lửa hành trình Kalibr và một biến thể hải quân của hệ thống S-400.
Gói vũ khí này, kết hợp với các cảm biến hiện đại và hệ thống tác chiến điện tử, định vị Đô đốc Nakhimov là một khí tài quan trọng trong việc triển khai sức mạnh hải quân của Nga.
Tính đến đầu năm 2023, tuần dương hạm này đang trong quá trình tích hợp hệ thống cuối cùng. Hệ thống phòng không Fort-M và Pantsyr-M là một phần trong kho vũ khí của tàu.
Trong khi mốc thời gian vẫn còn thay đổi, việc hoàn thành tái trang bị Đô đốc Nakhimov là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa hạm đội tàu mặt nước của Nga.
Khi đi vào hoạt động, Đô đốc Nakhimov sẽ tăng cường năng lực của Hạm đội phương Bắc, mở rộng phạm vi hoạt động của Nga ở Bắc Cực và xa hơn nữa.
Đô đốc Nakhimov thuộc dự án 1144.2M, còn được gọi là lớp Kirov - một trong những lớp tàu tuần dương mạnh nhất từng được chế tạo.
Tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov có thể hoạt động như một nền tảng di động cho các hệ thống vũ khí mạnh mẽ, bao gồm tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa chống hạm và hệ thống phòng không tiên tiến, cho phép nó hoạt động như một tàu chỉ huy trong các nhóm tác chiến hải quân.
Hệ thống chỉ huy, cảm biến và vũ khí được nâng cấp cho phép tuần dương hạm tích hợp hiệu quả hơn với các thành viên còn lại của hạm đội, mang lại hỏa lực và tiềm năng chỉ huy đáng kể trong các tình huống chiến đấu phức tạp.
* Australia đặt hàng 44 xe bọc thép Bushmaster mới từ Thales
Chính phủ Australia đã ký một hợp đồng trị giá 100 triệu đô-la Australia với Thales Australia để sản xuất thêm 44 xe bọc thép Bushmaster.
Bushmaster là xe bọc thép 4x4, cung cấp khả năng bảo vệ tiên tiến chống lại các mối đe dọa từ họa lực đạn bắn thẳng, mìn và thiết bị nổ tự chế.
Thân xe bằng thép hàn liền khối kết hợp với thân hình chữ V có khả năng làm chệch hướng lực nổ, bảo vệ xe khỏi các loại mìn chứa tới 9,5kg thuốc nổ TNT, cũng như hỏa lực vũ khí nhỏ 5,56mm và 7,62mm, bao gồm cả đạn xuyên giáp khi xe được trang bị giáp composite.
Xe có thể được trang bị một trạm vũ khí từ xa sử dụng súng máy 5,56mm hoặc 12,7mm và có thể chứa tới ba vũ khí gắn trên chốt. Với cabin rộng rãi, xe có thể chở tối đa 8 binh sĩ được trang bị đầy đủ cùng với kíp lái gồm 2 người.
Được trang bị động cơ turbo-diesel Caterpillar 3126E cung cấp công suất 300 mã lực, kết hợp với hộp số tự động 6 cấp độ ZF, Bushmaster đạt tốc độ tối đa 100km/giờ, phạm vi hoạt động hơn 800km.
Khung gầm Arvin Meritor 4x4 độc lập và hệ thống treo lò xo cuộn cho phép xe di chuyển trên đường địa hình. Xe có thể được vận chuyển bằng máy bay C-130 Hercules và được trang bị các tùy chọn bổ sung như hệ thống bơm lốp trung tâm, hệ thống chống vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học (NBC) và tời thủy lực 10 tấn, tăng cường tính linh hoạt cho các vai trò như vận chuyển quân, trinh sát, hỗ trợ y tế...
Các xe bọc thép mới này sẽ được phân bổ cho Trung đoàn hỏa lực tầm xa số 2 của Lục quân Australia, đóng tại Khu quân sự Edinburgh ở Nam Australia. Ngoài ra, hợp đồng này còn hỗ trợ cho quá trình phát triển phiên bản 5.5 của Bushmaster.
Ý kiến ()