Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Công an Lạng Sơn kiểm tra vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bị thu giữ. Nghị định 47/CP về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (CCHT) sau 15 năm thực hiện đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý nhà nước; phòng, chống tội phạm, nhận thức của người dân trong lĩnh vực này... Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Pháp lệnh 16) có hiệu lực thi hành từ 1-1-2012, là bước quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác này.Trong những năm qua, Lạng Sơn, với vị trí giáp biên, giao thông thuận lợi luôn là một "điểm nóng" buôn bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, CCHT, đồ chơi nguy hiểm qua biên giới về các tỉnh, thành phố. Phương thức, thủ đoạn mua bán, vận chuyển luôn được thay đổi và ngày càng tinh vi để đối phó với công tác kiểm tra, bắt giữ của lực lượng chức năng, như: đóng lẫn vũ khí...
Công an Lạng Sơn kiểm tra vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bị thu giữ. |
Trong những năm qua, Lạng Sơn, với vị trí giáp biên, giao thông thuận lợi luôn là một “điểm nóng” buôn bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, CCHT, đồ chơi nguy hiểm qua biên giới về các tỉnh, thành phố. Phương thức, thủ đoạn mua bán, vận chuyển luôn được thay đổi và ngày càng tinh vi để đối phó với công tác kiểm tra, bắt giữ của lực lượng chức năng, như: đóng lẫn vũ khí thô sơ, CCHT vào hàng hóa nhập khẩu để vận chuyển qua biên giới; vận chuyển theo các đường mòn, đường tắt, rừng núi, địa hình hiểm trở vào ban đêm… Thời gian gần đây, do bị lực lượng chức năng truy quét và xử lý quyết liệt nên thủ đoạn mua bán, vận chuyển vũ khí thô sơ, CCHT của các đối tượng đã thay đổi, với việc tập kết hàng ở các ki-ốt phía bên kia biên giới. Khi khách hàng muốn mua thì được xem qua các cuốn giới thiệu, đặt tiền rồi cho người vận chuyển qua biên giới, tiến hành giao nhận, gây khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ.
Trong chín tháng đầu năm triển khai Pháp lệnh 16, Công an Lạng Sơn bắt giữ 54 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ, CCHT, đồ chơi nguy hiểm. Khởi tố điều tra, xét xử ba vụ bốn đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ vũ khí thô sơ, CCHT, xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền nhiều trường hợp. Công an các huyện, thành phố còn vận động nhân dân giao nộp 65 khẩu súng tự chế, sáu khẩu súng thể thao, 700 viên đạn quân dụng K56… Đại tá Triệu Văn Đô, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an Lạng Sơn) cho biết, sau một thời gian triển khai Pháp lệnh, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ, CCHT trái phép qua biên giới vào nội địa tiêu thụ có chiều hướng giảm cả về số vụ và số lượng. Đối tượng vi phạm khi bị phát hiện, bắt giữ được kịp thời phân loại và áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc đã có tác dụng trong công tác phòng, chống các hành vi sai phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, CCHT.
Tại TP Hải Phòng, sau sáu tháng phát động cao điểm thực hiện Pháp lệnh 16 (từ 15-3 đến 15-9-2012), lực lượng công an đã thu được 116 súng các loại; bom, mìn (8 quả); đạn các loại (hơn 3.000 viên, 0,4 kg đạn súng hơi); thuốc nổ gần 900kg, kíp nổ… Đại tá Nguyễn Trọng Phượng, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho biết: “Từ năm 2006, tội phạm tại Hải Phòng đã sử dụng súng tự chế bắn đạn hoa cải, súng săn cưa nòng, súng AK cưa nòng, cưa báng, súng bút… để gây án tại địa phương, liên kết với tội phạm địa phương khác gây án, thậm chí đi địa phương khác để gây án. Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 400 vụ đối tượng sử dụng vũ khí để gây án”. Nguyên nhân quan trọng của thực trạng nêu trên là do chưa có chế tài xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép các loại súng hoa cải, súng bút, súng tự chế. Khi đối tượng mang theo các loại súng này hoặc đã sử dụng nhưng chưa gây ra hậu quả thì không thể xử lý về hình sự được.
Thiếu tá Bùi Quốc Sinh (Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Hải Phòng) cho rằng, việc Pháp lệnh 16 quy định rõ, loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng được coi như vũ khí quân dụng. Đây là điểm mới để các cơ quan chức năng có căn cứ xử lý hình sự đối với các hành vi mua bán, sử dụng bất hợp pháp các loại súng tự chế, súng bút, súng bắn đạn ghém (đạn hoa cải). Điều này có tác dụng tích cực trong phòng ngừa các đối tượng tàng trữ sử dụng súng trái phép. Hiện nay, tại Hải Phòng, các vụ đối tượng sử dụng súng gây án đã giảm so với những năm trước. Ngoài triệt xóa ổ nhóm, Công an Hải Phòng tăng cường vận động người dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu cháy nổ. 100% số hộ dân trên địa bàn ký cam kết không sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, CCHT…
Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, cho biết: Thực hiện Pháp lệnh 16, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo công an các địa phương mở các đợt cao điểm kiểm tra rà soát về vũ khí, vật liệu nổ, CCHT; tăng cường vận động người dân giao nộp vũ khí, phối hợp các lực lượng mở nhiều chuyên án triệt phá các băng nhóm sử dụng vũ khí “nóng”…
Tuy nhiên, một trong những khó khăn vướng mắc hiện nay là vấn đề xử lý, thu gom, tiêu hủy vật liệu nổ, vũ khí, CCHT đặc biệt là bom, mìn. Nhiều nơi chưa có kho lưu trữ, không có nguồn kinh phí tiêu hủy, việc tiêu hủy bom, mìn, vật liệu nổ phải chờ bên quốc phòng xử lý… nên gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, Pháp lệnh 16 cũng chỉ mới khắc phục được một phần vướng mắc trước đây, vì Pháp lệnh đã có, nhưng Bộ luật Hình sự vẫn chưa được sửa đổi, nên việc xử lý chưa thể triệt để. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao phối hợp nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Bộ luật Hình sự để phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()