Quản lý vốn nhà nước: Thiếu cơ chế giám sát toàn diện, chuyên nghiệp
Để quản lý vốn hiệu quả, cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) cần phân định rõ chức năng đại diện chủ sở hữu ra khỏi các nhiệm vụ khác để trở thành nhà đầu tư thực sự.
Hình ảnh tại Hội thảo. |
Đây là ý kiến tham luận của các chuyên gia trong Hội thảo “Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 19/7, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh DN (CIEM), từ năm 2011-2016, dù đã có cơ chế giám sát nhưng hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đều theo xu hướng giảm.
Theo báo cáo hợp nhất năm 2016, 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ-con lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng. Đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đầu tư. Việc xử lý các dự án kém hiệu quả còn phục hồi chậm…
Tình trạng này, theo ông Trung là do nhiều nhiều nguyên nhân, trong đó có hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả.
Nhận định về những nguyên nhân giám sát vốn còn yếu kém, ông Trung cho rằng hiện có nhiều quy định về thẩm quyền, chủ thể và đối tượng giám sát nhưng lại thiếu thống nhất về khái niệm, phạm vi hoạt động giám sát chủ sở hữu, gây chồng lấn giữa các cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra.
“Mỗi bộ, cơ quan tham gia với nội dung giám sát khác nhau, tách thành nhiều mảng, nên không có cơ quan nào đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi, đánh giá DN một cách đầy đủ, toàn diện và hiệu quả. Đồng thời, trách nhiệm phối hợp giám sát cũng không rõ ràng, đặc biệt trách nhiệm giải trình vẫn còn bỏ ngỏ”, ông Trung cho biết.
Đáng chú ý, đang có sự “vênh” nhau rất lớn từ các nguồn số liệu, thiếu thông tin cập nhật về tài sản Nhà nước đầu tư tại DN, làm cho cơ quan quản lý không nắm bắt được hiệu quả thực tế của nguồn vốn Nhà nước đang đầu tư.
Bên cạnh đó, các DNNN mới chỉ áp dụng chế độ báo cáo 6 tháng, 1 năm, mức độ tương tác thường xuyên và kịp thời còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu theo dõi thường xuyên, liên tục của hoạt động giám sát. “Chúng ta đang sử dụng bộ máy giám sát ‘không chuyên’, cán bộ thường kiêm nhiệm nhiều công việc, không cập nhận thường xuyên các sai sót, kịp thời nhận biết các nguy cơ và còn xem nhẹ quản trị rủi ro”.
“Điển hình của sai phạm trong thẩm định dự án đầu tư, bỏ qua cảnh báo rủi ro là trường hợp của thương vụ Mobifone mua AVG, theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ giai đoạn thẩm định đã có một số cảnh báo rủi ro về tính khả thi, sự thiếu căn cứ về mức giá khi mua 95% cổ phần của AVG, tuy nhiên tổ thẩm định đã phớt lờ, gây ra hậu quả nghiêm trọng”, ông Trung cho biết.
Hướng đi nào để giám sát hiệu quả?
Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng yêu cầu đổi mới giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu là rất cần thiết trong tiến trình cơ cấu lại DNNN.
Trong đó, ông Phạm Đức Trung nhấn mạnh, xây dựng hệ thống Big data (dữ liệu lớn), hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu là vấn đề quan trọng nhất.
“Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực đề cao vai trò của công nghệ thông tin trong quản lý. Tiếp theo đây, từng cơ quan đại diện phải xây dựng được hệ thống thông tin của mình kết nối với các DN, tiến tới cập nhật hằng tháng, hằng tuần, thậm chí là hằng ngày. Từ đó, cơ quan quản lý mới nắm bắt được những biến động quan trọng của DN, lượng hoá được nguy cơ”, ông Trung nói.
Bên cạnh đó, muốn đánh giá, giám sát được, ông Trung cho rằng các cơ quan chủ sở hữu phải chủ động xây dựng các chỉ tiêu, định mức thực hiện riêng cho từng ngành.
“Một trong những điểm yếu nhất của hoạt động giám sát hiện nay là không lường trước được rủi ro, không đánh giá được dự án kém hiệu quả mà thường ‘mất bò mới lo làm chuồng’ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, cần đưa quy định chủ sở hữu phải ‘cẩn trọng’ trong thẩm định, phê duyệt dự án và có chế tài xử lý các trường hợp phát sinh thiệt hại do nguyên nhân ‘thiếu cẩn trọng’ hoặc không có biện pháp phòng ngừa, cảnh báo rủi ro”, ông Trung kiến nghị.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vấn đề quan trọng nhất để giám sát hiệu quả hơn là phải thu hẹp tối đa phạm vi hoạt động và số lượng DNNN, “còn nhiều như vậy thì không thể quản lý nổi”.
Cần có quy định minh bạch về trách nhiệm của các cơ quan quản lý vốn Nhà nước tại DN. Đồng thời, nên giảm bớt các đầu mối chịu trách nhiệm. “Theo tôi chỉ cần hai đầu mối, hai địa chỉ rõ ràng để dễ quản lý và truy cứu trách nhiệm là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và SCIC”, bà Lan nói.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM lại cho rằng với điều kiện hiện tại, không nên tiếp cận theo hướng giảm số lượng DNNN. “Với tư cách là chủ sở hữu phải suy nghĩ đầu tiên đến việc nâng cao hiệu quả nguồn lực, nguồn vốn của chủ sở hữu tại DN. Sau đó, trên cơ sở đã cải cách, cải tổ được DN, mới nghĩ đến chuyển giao hoặc thoái vốn ở mức độ cần thiết để duy trì lợi ích tối đa cho chủ sở hữu”.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cần tách chức năng đại diện chủ sở hữu ra khỏi chức năng khác để đóng vai trò như một nhà đầu tư thực sự.
“Phải giao chỉ tiêu rõ ràng về hiệu quả, thu thập các thông tin về chỉ tiêu đó để đánh giá, liên tục theo dõi xem có đạt được mục tiêu không. Nếu không thì phải tìm hiểu nguyên nhân, để xử lý ngay trong quá trình hoạt động của DN, chứ không để thua lỗ mới tìm cách khắc phục, đó là những thay đổi một cách căn bản, từ thụ động, giám sát sau như lâu nay thành giám sát chủ động, trực tiếp, liên tục”, ông Cung nhấn mạnh.
Đồng thời, cách thức tổ chức, đánh giá, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, khuyến khích cũng cần thay đổi. “Phải theo yêu cầu của kinh doanh, quy luật của thị trường chứ không phải áp dụng các quy tắc của quản lý Nhà nước vào. Quan trọng là phải lựa chọn được người tốt nhất, không nên đặt ra quan điểm lựa chọn từ chỗ này, chỗ kia, như vậy khó có thể lựa chọn được người giỏi”, ông Nguyễn Đình Cung cho biết.
Bên cạnh giám sát bằng con người, các giải pháp công nghệ, nhất là những công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải được áp dụng triệt để, tận dụng các lợi thế như đưa ra quyết định nhanh, có độ chính xác cao và loại trừ ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan, mong muốn của một vài cá nhân vào các quyết định chính sách.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()