Quản lý, vận hành công trình nước sinh hoạt: Cách làm hay ở Bằng Mạc
– Công trình nước sinh hoạt Khau Tao thuộc thôn Khau Tao, xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng được Nhà nước đầu tư đưa vào sử dụng từ năm 2013. Sau 9 năm khai thác, công trình luôn hoạt động tốt, duy trì cấp nước cho 320 hộ dân tại 4/8 thôn của xã. Để công trình hoạt động ổn định hiệu quả trong thời gian dài như vậy là do UBND xã Bằng Mạc đã có phương pháp quản lý, bảo dưỡng, vận hành hợp lý, được người dân đồng tình, ủng hộ.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Bằng Mạc được xây dựng tại xóm Phai Xá, thôn Khau Tao, xã Bằng Mạc từ năm 2012 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2013. Quy mô công trình gồm: hạng mục hố thu nước đầu mối; trạm bơm, hệ thống bể lọc, bể chứa, trạm cấp điện và hệ thống đường ống dài 17 km kết nối các hạng mục công trình và đến các hộ dân sử dụng nước. Chủ đầu tư là UBND huyện Chi Lăng, tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Công trình nước sinh hoạt thôn Khau Tao hoạt động tốt sau 9 năm sử dụng
Mục tiêu đầu tư nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho các thôn: Khau Tao, Nà Pe, Khòn Nưa, Nà Mó là những thôn thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Ông Hoàng Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Bằng Mạc cho biết: Xã nằm ở khu vực núi đá, nguồn sinh thủy rất khan hiếm, nguồn nước sinh hoạt của người dân trong xã dựa vào nước mưa và một số thôn dùng nước giếng khoan nhưng trữ lượng không đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào mùa khô. Vì vậy, việc đầu tư công trình là rất cấp thiết, được người dân ủng hộ.
Để quản lý, vận hành hiệu quả, khi công trình nước sinh hoạt chuẩn bị đưa vào khai thác, UBND xã đã dự thảo quy chế quản lý, bảo dưỡng, sử dụng công trình trên địa bàn và chỉ đạo các thôn tổ chức họp, lấy ý kiến của người dân về việc quản lý, khai thác, cơ chế tài chính, mức thu phí sử dụng nước để tạo nguồn bảo đảm khai thác công trình đạt hiệu quả cao nhất .
Trên cơ sở đồng thuận của người dân, UBND xã ban hành quyết định thành lập Ban quản lý công trình cấp xã do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban quản lý và cán bộ địa chính làm thành viên; quy định mức thu 3.000 đồng/m3 nước đối với các hộ gia đình sử dụng; ban hành quy chế hoạt động, mức chi cán bộ vận hành, quản lý, bảo vệ công trình… Theo đó, Ban quản lý đã giao nhiệm vụ cho 1 đồng chí phó trưởng thôn Khau Tao trực tiếp quản lý vận hành, bảo vệ, điều tiết cung cấp nguồn nước từ công trình cho các hộ dân được thụ hưởng. Ngoài ra, UBND xã giao trưởng các thôn được thụ hưởng thống kê khối lượng nước sử dụng vào sổ theo dõi để thu tiền sử dụng hằng tháng và nộp tiền về kế toán của UBND xã. Bên cạnh đó, các đồng chí trưởng thôn còn có trách nhiệm tuyên truyền các hộ dân sử dụng nước tiết kiệm, tham gia bảo vệ công trình, vệ sinh đường nước hoặc duy tu, sửa chữa khi phát sinh sự cố. Hằng năm, ban quản lý thực hiện nghiêm túc việc quyết toán và công khai tài chính đến từng thôn để người dân biết và giám sát.
Với cách làm nêu trên, từ năm 2013 đến nay, công trình cấp nước hoạt động ổn định, công tác duy tu, bảo dưỡng được thực hiện rất bài bản. Theo số liệu của UBND xã Bằng Mạc cung cấp, mỗi ngày, trạm bơm vận hành 2 lần, sáng 2 tiếng và chiều 2 tiếng để cấp nước khoảng 150 m3 nước/ngày cho các hộ dân sử dụng. Mỗi tháng, trừ các khoản chi phí như: tiền điện, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ vận hành…, UBND xã tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng, khoản kinh phí này được giữ lại để phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, các hạng mục khi công trình gặp sự cố.
Ngoài ra, UBND xã cũng tuyên truyền các hộ dân đồng hành cùng chính quyền trong quản lý, bảo vệ công trình cũng như sử dụng nước tiết kiệm. Ông Chu Văn Tiếp, người dân thôn Khau Tao cho biết: Từ khi công trình nước sinh hoạt đi vào hoạt động, người dân được sử dụng nước rất ổn định, gia đình tôi và nhiều hộ khác ngoài việc nộp đủ tiền nước hằng tháng còn tham gia bảo vệ, duy tu bảo dưỡng. Trong gần 9 năm vận hành công trình, chúng tôi chưa bao giờ bị mất nước do sự cố công trình.
Hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung đã được đầu tư xây dựng nhưng việc quản lý, khai thác tại nhiều công trình chưa được thực hiện bài bản, bất cập. Mô hình quản lý công trình nước sinh hoạt tại xã Bằng Mạc rất đáng để các xã có công trình nước sinh hoạt tương tự tham khảo làm theo. Qua đó, góp phần sử dụng, khai thác hiệu quả công trình do Nhà nước đầu tư phục vụ dân sinh
Ý kiến ()