Quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công
Tài sản công (TSC) ở nước ta có quy mô và giá trị rất lớn, là cơ sở để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và là nguồn lực quan trọng của quốc gia. Năm 2008, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh dự thảo Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và đề xuất đổi tên thành Luật Quản lý, sử dụng TSC. Dự kiến, dự thảo luật này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10-2016.
Khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ TSC
Việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng TSC hiện nay là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành như: Cơ chế quản lý tài sản nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản; quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý tài sản nhà nước bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp thấp, còn nặng về hành chính, bao cấp, việc sử dụng tài sản sai công năng, sai mục đích gây lãng phí, thất thoát vẫn diễn ra; chưa tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý về tài sản nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý, sử dụng TSC. Không chỉ vậy, việc quản lý, sử dụng một số loại tài sản nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý tài chính; khai thác tài sản nhà nước còn hạn chế, đặc biệt là tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản kết cấu hạ tầng; các cơ quan quản lý chưa nắm được tổng thể về tài sản nhà nước, công tác hạch toán chưa đầy đủ, thống nhất, chưa gắn quản lý về giá trị với quản lý về hiện vật…
Với những bất cập nêu trên, việc sửa đổi hoàn thiện Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 là yêu cầu cấp thiết. Về tên gọi của Dự án luật sửa lại là: “Luật Quản lý, sử dụng TSC” là phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự 2015.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng TSC gồm 10 chương, 137 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật đã khắc phục những hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, nhất là tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản đồng thời thể hiện một số điểm mới trong từng chương.
Dự thảo Luật đã cụ thể hóa phạm vi TSC theo Điều 53 Hiến pháp, đã quy định chế độ quản lý, sử dụng và xác định vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với TSC, tạo lập sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đây là nội dung mới trong dự thảo đáng được ghi nhận và việc đổi tên của dự án Luật là “Luật Quản lý, sử dụng TSC” là hoàn toàn phù hợp.
Dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh theo hướng bao quát các loại TSC theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, hướng tới mục tiêu khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ TSC và quản lý, sử dụng TSC tiết kiệm. Dự thảo Luật đã xây dựng những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng TSC; kế thừa những nội dung, quy định hiện hành còn phù hợp, đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tế; sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý trong tình hình mới; đổi mới phương thức quản lý, sử dụng TSC theo hướng nắm chắc, hạch toán đầy đủ TSC cả về giá trị và hiện vật; coi TSC là nguồn lực quan trọng, quy định các cơ chế quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, phòng ngừa tham nhũng, thất thoát, lãng phí; xây dựng cơ chế khai thác TSC hợp lý gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác TSC, tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế – xã hội… Bên cạnh những quy định áp dụng chung cho tất cả các loại TSC, trong nội dung dự thảo khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản có sự phân biệt các cấp độ khác nhau.
Việc quy định như trên nhằm bảo đảm nguyên tắc tất cả các loại TSC đều được điều chỉnh bởi pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở để nắm được tổng thể nguồn lực từ TSC.
Hoàn thiện một số nội dung
Bên cạnh những nội dung đã đạt được, theo quan điểm cá nhân, một số vấn đề trong dự thảo Luật cần được xem xét, hoàn thiện: Đối tượng quy định trong Luật rất rộng, bao gồm rất nhiều loại tài sản, mỗi loại tài sản có tính chất, mục đích, nguồn hình thành rất khác nhau, việc quy định tất cả các loại tài sản này vào quản lý chung trong Luật là rất phức tạp. Vậy cần giải thích rõ, cụ thể thông qua văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện.
Cần tách biệt rõ ràng TSC phục vụ công tác quản lý của nhà nước, TSC phục vụ mục đích an sinh xã hội và TSC phục vụ mục đích thương mại để quy định cho phù hợp, trên nguyên tắc tách bạch chủ thể quản lý, sử dụng các loại TSC nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý.
Hiện nay, quản lý TSC được thể hiện ở các luật chuyên ngành. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cần tiếp tục rà soát, hệ thống hóa đầy đủ các quy định của hệ thống pháp luật liên quan quản lý, sử dụng TSC ở các luật chuyên ngành, tiến hành bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và cuộc sống.
Cần phân loại TSC thành hai loại, theo mục đích sử dụng và mục đích định giá tài sản. Theo mục đích sử dụng, sẽ có TSC chính sách (hình thành từ chính sách nhà nước phục vụ công tác quản lý, phục vụ mục đích công cộng và an sinh xã hội) và TSC thương mại (nhằm mục đích kinh doanh). Theo mục đích định giá tài sản, có bất động sản và động sản.
Cần bổ sung trong Dự thảo luật nội dung quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được nhà nước giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản khi để xảy ra các vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng TSC ở cơ quan, đơn vị. Bổ sung quy định về các biện pháp, chế tài đối với những cơ quan, đơn vị sử dụng trụ sở không đúng mục đích, đầu tư lãng phí, không phù hợp với công năng, công suất sử dụng.
Hiện đơn vị sự nghiệp công lập được chia làm 2 nhóm: tự chủ tài chính và chưa tự chủ tài chính. Tương ứng với 2 nhóm đơn vị này là 2 cơ chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước khác nhau. Do vậy, cần phân định rõ chế độ quản lý, sử dụng TSC tại các đơn vị sự nghiệp công lập đối với từng nhóm.
Quản lý, sử dụng TSC có nội dung rất rộng và phức tạp, khó có thể xây dựng một cách triệt để, toàn diện và đầy đủ những nội dung quản lý, sử dụng tất cả các loại tài sản trong nền kinh tế. Hy vọng, việc ban hành và thực hiện Luật này nếu được thông qua sẽ giúp sử dụng hiệu quả TSC, hạn chế thấp nhất lãng phí, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()