Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể rượu vùng cao Mẫu Sơn
Bà con dân tộc Dao vùng cao Mẫu Sơn cung cấp rượu cho các doanh nghiệp kinh doanh rượu |
Quản lý chặt khâu sản xuất, kinh doanh
Từ cuối năm 2015 về trước, cả tỉnh có 28 doanh nghiệp sử dụng trên 30 nhãn mác mang tên rượu Mẫu Sơn và có đến hơn 200 hộ sản xuất rượu ở 3 xã vùng cao và gần 1.000 hộ sản xuất rượu ở 7 xã nằm dưới chân núi Mẫu lấy thương hiệu Mẫu Sơn cho sản phẩm làm ra. Từ năm 2016 đến nay chỉ còn 7 doanh nghiệp và 58 hộ hội viên được sử dụng nhãn hiệu tập thể (NHTT) rượu vùng cao Mẫu Sơn trong sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp, hội viên đều được quy về một mối quản lý là Hiệp hội Rượu vùng cao Mẫu Sơn. Cùng đó, ngay từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng trong chuỗi sản xuất thủ công rượu truyền thống của đồng bào Dao khi chưng chất, đều được hiệp hội kiểm soát chặt chẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ông Đoàn Quyết Chiến, Chủ tịch Hiệp hội Rượu vùng cao Mẫu Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Công – Mẫu Sơn (Cao Lộc) cho biết: Kể từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu Mẫu Sơn cho các sản phẩm rượu có xuất xứ từ vùng núi Mẫu (15/12/2015), hiệp hội thực hiện quản lý nhãn hiệu chặt chẽ. Điều đáng mừng là các sản phẩm rượu ở vùng cao Mẫu Sơn gồm 3 xã: Công Sơn, Mẫu Sơn (Cao Lộc) và Mẫu Sơn (Lộc Bình) đều lấy lại thương hiệu và khẳng định giá trị của mình.
Trong việc quản lý NHTT rượu vùng cao Mẫu Sơn, từ đầu năm 2016 đến nay, hiệp hội đã tổ chức 2 lượt kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất, kinh doanh rượu đối với 100% thành viên; tổ chức tập huấn về bảo vệ NHTT, các tiêu chuẩn về địa điểm sản xuất, nguyên liệu dùng cho sản xuất, thiết bị chưng cất, thời gian lên men… cho đại diện chính quyền, các tổ chức đoàn thể của 3 xã và 100 thành viên hiệp hội. Hiệp hội cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh không cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp kinh doanh sử dụng tên rượu Mẫu Sơn trên tem nhãn sản phẩm mà không phải là thành viên hiệp hội.
Ông Dương Chầm Sính, thôn Lục Bó, xã Công Sơn (Cao Lộc), hội viên hiệp hội cho biết: Đáng lo ngại nhất là chất lượng rượu kém ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm. Gia đình tôi luôn tuân thủ quy trình nấu rượu truyền thống. Thời gian ủ lên men rượu luôn đảm bảo đúng tiêu chuẩn từ 25-30 ngày. Thời gian ủ dự trữ rượu đảm bảo đủ 3 tháng trở lên.
Nâng tầm thương hiệu
Những năm gần đây, sản lượng rượu do Hiệp hội Rượu vùng cao Mẫu Sơn quản lý sản xuất và kinh doanh khoảng 100.000 lít/năm. “Được bảo hộ đã là một việc khó nhưng việc phát triển NHTT rượu Mẫu Sơn là việc làm luôn đau đáu của Hiệp hội” – Chủ tịch Hiệp hội Rượu vùng cao Mẫu Sơn chia sẻ.
Để nâng tầm giá trị thương hiệu trên thị trường, hiệp hội tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Hiệp hội đã thành lập website “ruoumauson.com.vn” để thông tin chung về hiệp hội, danh mục sản phẩm, danh mục hội viên, địa chỉ liên hệ giao dịch, hỗ trợ trực tuyến và các văn bản quản lý NHTT, chất lượng rượu. Hằng năm, hiệp hội đem sản phẩm tham gia các hội chợ tại Trung Quốc và một số tỉnh, thành trong nước. Trong và ngoài tỉnh có gần 20 pa – nô lớn nhỏ giới thiệu sản phẩm rượu vùng cao Mẫu Sơn.
Ông Bùi Minh Tấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rượu vùng cao Mẫu Sơn cho biết: Tuy sản lượng rượu giảm nhưng trong năm qua, các loại rượu được sản xuất ở vùng cao Mẫu Sơn đã dần khẳng định được thương hiệu nhờ chất lượng vượt trội. Cùng với việc xúc tiến, quảng bá tích cực nên sản phẩm này ngày càng trở thành thương hiệu nổi tiếng, cung cấp cho các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước hoặc trở thành sản phẩm ưa chuộng để các gia đình sử dụng trong các dịp lễ, tết, cưới xin, tiếp khách, làm quà tặng.
Ý kiến ()