Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung
Trong khuôn khổ Festival thủy sản Việt Nam 2014, sáng 31/3 tại TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) và UBND tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung.
Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Tổng cục Thủy sản, Trung tâm |
Báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn của Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, tôm hùm là một loại hải đặc sản có giá trị xuất khẩu, kinh tế cao đang được chú trọng để nuôi trồng. Ở Việt Nam, tôm hùm phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận nhưng tập trung cao ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX việc nghiên cứu và nuôi tôm hùm mới được chú ý. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm bằng lồng thực sự phát triển từ năm 2000 đến nay, số lượng lồng nuôi ước tính có trên 43.000 lồng, tập trung nhiều chủ yếu ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, từ Bình Định đến Bình Thuận và nhiều nhất là ở tỉnh Phú Yên với số lượng lồng nuôi trên 22.591 lồng, tiếp đến là Khánh Hòa với 16.309 lồng.
Thống kê của Trung tâm Khuyến nông (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) gần đây cho thấy, ở các tỉnh hiện có khoảng 8.000 đến 10.000 hộ nuôi tôm hùm tập trung chủ yếu một số loài như: Tôm hùm bông, tôm hùm đá, tôm hùm sỏi và tôm hùm đỏ, nhưng nhiều nhất vẫn là tôm hùm bông bởi chúng có tốc độ tăng trưởng nhanh, kích cỡ lớn, màu sắc tươi sáng và có giá trị xuất khẩu cao. Với sản lượng nuôi trung bình hàng năm đạt gần 1.385 tấn, chủ yếu là loài tôm hùm bông và tôm hùm xanh đã đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm cho những ngư dân nuôi tôm hùm lồng.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Khuyến nông (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn), nghề nuôi tôm hùm hiện đang gặp một số khó khăn. Trong đó, về công tác quy hoạch đến hiện tại một số tỉnh trong khu vực Duyên hải miền Trung vẫn chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm; một số điểm hiện đang nuôi nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp của tỉnh đã gây ảnh hưởng cho sự phát triển.
Trong khi đó, giống tôm hùm hiện chưa thể sản xuất nhân tạo được nên hầu hết người nuôi phải dựa vào giống khai thác tự nhiên. Với tình hình dịch bệnh thời gian qua chưa được kiểm soát tốt ở nhiều nơi đã gây tâm lý lo ngại cho người nuôi trồng khi tiếp tục thả nuôi. Về công nghệ nuôi, hiện người nuôi tôm hùm lồng vẫn áp dụng theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ, mỗi bè có khoảng 10 lồng, mỗi lồng thả vài trăm con vì thế chưa đạt hiệu quả cao, đã và đang phát sinh nhiều dịch bệnh, cùng với đó là sản lượng, năng suất thấp. Mặt khác, thức ăn của tôm hùm là cá tạp, cua, sò hỏ… dễ gây ô nhiệm môi trường, người nuôi không chủ động trong mùa mưa bão; việc bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như: tôm sữa, đem mang, vi khuẩn mà nguyên nhân ban đầu có thể là do chất lượng kém của thức ăn…
Tại Diễn đàn, các đại biểu đến từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành nuôi trồng thủy sản các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận và đại các huyện Tuy An, Sông Cầu của tỉnh Phú Yên đã đặt ra nhiều câu hỏi mang tính đối thoại với lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn), Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, Viện Công nghệ sinh học… về các vấn đề mà ngành nuôi tôm hùm đang đặt ra, nhất là về nguồn giống, quy trình, công nghệ nuôi tôm hùm, các phương án chống dịch bệnh lây lan trên con tôm hùm….
Với các câu hỏi đặt ra, đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng trên cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch, nuôi trồng tôm hùm; đồng thời khẳng định trong năm 2014 này, các đơn vị trực thuộc Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục thành lập các tổ công tác thực hiện việc điều tra dịch tễ, xác định tác nhân, nguyên nhân gây bệnh trên tôm hùm ở các vùng nuôi trọng điểm để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và chỉ đạo xử lý dịch bệnh trên tôm hùm. Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 sẽ tiếp tục thủ nghiệm phác đồ điều trị mới đối với bệnh tôm sữa, sớm ban hành quy trình phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm và kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tiến hành nghiệm thu các đề tài nghiên cứu về bệnh tôm hùm và hệ thống giám sát bệnh tôm hùm để đưa vào áp dụng nhằm xây dựng các vùng nuôi tôm hùm có kiểm soát.
Riêng đối với các địa phương, đơn vị, đại diện Tổng cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y, Cục nuôi trồng thủy sản, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải thực hiện việc phối hợp với Cục thú y triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm; triển khai lập quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm và thực hiện việc đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm, đánh giá lồng – bè nuôi, giám sát việc thực hiện các quy định về nuôi tôm hùm theo Quyết định 2383/QĐ-BNN-NTTS ngày 6/8/2008. Đồng thời, thống kê thiệt hại của người nuôi tôm hùm và đề xuất chính sách hỗ trợ cho người nuôi khôi phục lại sản xuất; đề nghị Đại học Nha Trang sớm áp dụng kết quả nghiên cứu về thức ăn nhân tạo cho tôm hùm vào sản xuất nhằm hạn chế mầm bệnh và giảm ô nhiễm do sử dụng thức ăn tươi sống như hiện nay; đề nghị các hộ, cơ sở nuôi tôm hùm trong khu vực Duyên hải miền Trung thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi, quy trình phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm do cơ quan quản lý hướng dẫn; báo cáo kịp thời thông tin về diễn biến bất thường cho cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương về hoạt động nuôi tôm hùm trong vùng, thực hiện việc quản lý cộng đồng về môi trường vùng nuôi để giảm thiểu ô nhiễm.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()