Quản lý và bảo vệ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Từ giữa tháng 4-2012 đến nay, tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, trong đó đáng chú ý là vụ khai thác trái phép ba cây gỗ sưa có giá trị lớn và việc lãnh đạo đơn vị này đưa 11 "sổ đỏ" của Vườn quốc gia để "chạy" dự án, gây xôn xao dư luận.
Từ giữa tháng 4-2012 đến nay, tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, trong đó đáng chú ý là vụ khai thác trái phép ba cây gỗ sưa có giá trị lớn và việc lãnh đạo đơn vị này đưa 11 “sổ đỏ” của Vườn quốc gia để “chạy” dự án, gây xôn xao dư luận.
Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Bình tiến hành làm rõ các vụ việc, xử lý nghiêm các cá nhân liên quan để sớm ổn định tình hình.
Tỉnh Quảng Bình có 648.214 ha rừng và đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất toàn quốc (70%). Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào nên áp lực trong việc quản lý, bảo vệ rừng là rất lớn. Mỗi năm, toàn tỉnh Quảng Bình xảy ra hàng trăm vụ phá rừng, gây bức xúc trong dư luận. Có thể xem vụ khai thác trái phép ba cây gỗ sưa có giá trị hàng trăm tỷ đồng trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng xảy ra trong tháng 4-2012 là điển hình của việc vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ rừng. Vụ việc gây xôn xao dư luận Quảng Bình không chỉ bởi giá trị của số lâm sản quý ở giữa rừng nguyên sinh bị khai thác trái phép mà còn ở chỗ, Di sản thiên nhiên thế giới được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng khi rừng bị phá thì không ai biết. Khi hàng nghìn người kéo nhau vào rừng để tìm gỗ quý thì lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia và chính quyền hết sức thụ động, lúng túng trong xử lý.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng điều tra làm rõ các vụ việc, xử lý các cá nhân, tập thể liên quan. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã kiểm điểm, làm rõ những yếu kém và nguyên nhân để mất tài nguyên rừng, chậm phát hiện xử lý vụ việc, gây xôn xao dư luận trong thời gian dài. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho rằng, các vụ việc xảy ra tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thời gian gần đây là do những yếu kém trong quản lý và lúng túng, bị động trong xử lý các tình huống phát sinh. Bộ máy của Vườn quốc gia với hơn 300 cán bộ, nhân viên mà trong đó gần một nửa là cán bộ kiểm lâm, thế nhưng lâm tặc vào rừng đốn hạ gỗ sưa tẩu tán hết mới biết, đó là điều không thể chấp nhận được. Ðầu tháng 3 vừa qua, Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách về mặt Ðảng đối với Giám đốc Lưu Minh Thành; kỷ luật cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Bố Trạch, cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Ðảng bộ Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đối với Phó Giám đốc Nguyễn Văn Huyên. Ông Nguyễn Văn Huyên cũng bị UBND tỉnh Quảng Bình cách chức Phó Giám đốc Vườn quốc gia và đề nghị chuyển công tác khỏi Vườn quốc gia và không bố trí làm việc trong lực lượng kiểm lâm. Ngoài ra, 14 cán bộ, nhân viên Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cũng bị kỷ luật.
Ðối với việc mang 11 “sổ đỏ” của Vườn quốc gia để “chạy” dự án bảo vệ rừng, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản chỉ đạo Giám đốc Lưu Minh Thành bàn giao công việc điều hành cho một Phó Giám đốc để tập trung thời gian thu hồi “sổ đỏ”. Chỉ sau một ngày có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình, Giám đốc Lưu Minh Thành đã mang toàn bộ số “sổ đỏ” trên đến báo cáo tại Văn phòng UBND tỉnh.
Ðể nhanh chóng ổn định tình hình tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, trước hết là kiện toàn về mặt tổ chức, Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định điều động, bổ nhiệm một đồng chí Phó Chánh Văn phòng HÐND tỉnh làm Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thay Giám đốc Lưu Minh Thành về hưu từ ngày 1-5. Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cũng được rà soát, bổ sung hoặc thay thế, luân chuyển để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hiện nay, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia có 125 cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ hơn 125 nghìn ha rừng đặc dụng Phong Nha – Kẻ Bàng. Ðể nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng Di sản thiên nhiên thế giới, cần tập trung chấn chỉnh lực lượng kiểm lâm, rà soát, sàng lọc để loại những cán bộ, nhân viên yếu kém ra khỏi lực lượng, làm trong sạch đội ngũ kiểm lâm để hoạt động hiệu quả; xây dựng lại phương án quản lý, bảo vệ rừng phù hợp tình hình cụ thể hiện nay, đồng thời tăng cường phối hợp giữa Vườn quốc gia với chính quyền các xã vùng đệm để vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ rừng. Trên cơ sở kế hoạch và phương án bảo vệ rừng để gắn trách nhiệm của từng kiểm lâm viên với từng địa bàn cụ thể; tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, chốt chặn những vị trí xung yếu, những khu rừng liền kề các khu dân cư, những khu rừng có các loại thực, động vật quý hiếm, những khu thường dễ cháy vào mùa nắng nóng. Lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia cần làm tốt công tác dân vận, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội, trường học để tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm, hướng người dân làm chủ di sản; vận động quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản bằng nhiều hình thức như họp thôn, phát tờ rơi, tuyên truyền trên đài, báo… Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng phối hợp với chính quyền các xã vùng đệm có các giải pháp tạo việc làm và thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân để giảm bớt áp lực phá rừng vì mưu sinh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()