Quản lý tốt các tổ tiết kiệm và vay vốn
LSO-Những tổ tiết kiệm vay vốn từ các tổ chức khác chuyển sang đoàn thanh niên thường là tổ yếu, hoạt động kém hiệu quả. Tại huyện Đình Lập, sau một thời gian Huyện đoàn tiếp nhận quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng với sự đồng hành của thanh niên, 100% hộ hội viên sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, không còn hộ nợ quá hạn, chây ì nộp lãi.
Mô hình sản xuất bún khô của thanh niên xã Đình Lập, huyện Đình Lập |
Năm 2006, Huyện đoàn Đình Lập quản lý 539 triệu đồng vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với 73 hộ vay. Sau hơn 10 năm tổ chức đoàn tiếp nhận và đồng hành với hộ nghèo, gia đình chính sách trong công tác quản lý, sử dụng vốn vay, đến nay, tổng số dư nợ ủy thác đạt trên 36,5 tỷ đồng. Từ chưa đầy 100 hộ đến nay đã có 901 hộ được vay vốn, tăng 67,8 lần so với năm 2006. Anh Nông Đức Vượng, Bí thư Huyện đoàn Đình Lập cho biết: Quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn thách thức lớn đối với người làm công tác đoàn như chúng tôi. Nhờ tổ chức đoàn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mà từ hoạt động kém hiệu quả nguồn vốn, các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích, nợ đến hạn được trả dứt điểm, việc trả lãi được tổ viên thực hiện nghiêm túc.
Để có được kết quả đó, ngay khi tiếp nhận các tổ tiết kiệm và vay vốn, Huyện đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra, giám sát cho đội ngũ cán bộ đoàn phụ trách hoạt động ủy thác nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro. Đồng thời phối hợp với chính quyền xã, phòng giao dịch huyện tổ chức bình xét, cho vay đúng đối tượng; kiểm tra các tổ, hộ vay, đối chiếu sau cho vay. Hằng tháng, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia giao dịch cùng ngân hàng, qua đó, nắm những tồn tại của tổ, hộ vay để tìm hướng xử lý.
Đối với những hộ quá hạn, chây ì, đoàn thanh niên phối hợp với ngân hàng đến từng nhà đôn đốc, tìm hiểu hoàn cảnh và tìm hướng giúp đỡ. Cùng đó, huyện đoàn, đoàn xã hướng dẫn các hộ phát triển sản xuất bằng cách lấy ngắn nuôi dài, trồng cây cho giá trị kinh tế cao như thông, keo… Đặc biệt, với hộ nợ quá hạn, đi khỏi địa phương, đoàn thanh niên làm việc với chính quyền xã tìm nơi ở hiện tại của gia đình, phối hợp với địa phương họ đang ở cùng đôn đốc. Với tổ có biến động, đoàn thanh niên tổ chức kiện toàn lại tổ trưởng để hoạt động cho tốt. Từ sự hướng dẫn, định hướng của tổ chức đoàn, hàng trăm hộ vay đã sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn vay. Điển hình như hộ anh Vi Văn Chiến, thôn Tiên Phi, xã Bính Xá sử dụng nguồn vốn vay thông qua tổ chức đoàn đầu tư xưởng mộc. Từ một xưởng mộc nhỏ với 1, 2 lao động, đến nay, anh đã mở rộng mô hình với 6 đến 8 lao động thường xuyên. Sản phẩm làm ra không chỉ cung cấp cho người dân trên địa bàn xã mà còn cung cấp cho các xã lân cận và sang cả tỉnh bạn; thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để tăng cường nguồn vốn cho vay, tạo thói quen dành tiền tiết kiệm cho hội viên, các cấp bộ đoàn toàn huyện tổ chức tuyên truyền, vận động tổ viên thực hành tiết kiệm mỗi tháng từ 10.000 đến 50.000 đồng gửi Ngân hàng Chính sách Xã hội. Kết quả, hằng tháng có 98% hộ nghèo và đối tượng chính sách tham gia gửi tiết kiệm với số dư tiền gửi đạt trên 500 triệu đồng.
Anh Nông Đức Vượng cho biết thêm: Huyện đoàn đang tiếp tục đề xuất nhận thêm 4 tổ tiết kiệm vay vốn đảm bảo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có tổ tiết kiệm và vay vốn. Đối với địa bàn khó khăn như huyện Đình Lập thì kênh tín dụng chính sách góp phần tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội nhất là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()