Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Tránh kẽ hở gây tác động tiêu cực
Luật phòng chống tác hại thuốc lá Việt Nam chỉ áp dụng cho thuốc lá điếu, xì gà, gây mất cân đối và có thể tạo nhiều kẽ hở trong quản lý, đặc biệt là với sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thuốc lá.
Dù giảm số lượng từ 3 điếu thành 1 điếu mỗi ngày, nhưng nếu rít sâu, mạnh để “đã thèm” thì mức độ độc hại là như nhau.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đã có mặt trên thị trường Việt Nam khá lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào khuôn khổ quản lý của pháp luật.
Trong khi đó, thị trường chợ đen của các sản phẩm này ngày càng tràn lan, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút thuốc mà còn tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực khác.
Người hút thuốc: không chỉ là đối tượng thiệt hại duy nhất
Tác hại thuốc lá là điều mà ai cũng hoàn toàn nhận thức được. Tuy nhiên hơn 70% người hút thuốc không thực hiện các biện pháp cai thuốc được các chuyên gia y tế khuyến nghị.
Nhu cầu giảm thiểu tác hại thuốc lá điếu ngày càng cần thiết. Nhiều người đã tự tìm cách giảm thiểu tác hại như giảm tần suất hút thuốc từ 5 điếu thành 3 điếu mỗi ngày, hoặc hút các loại thuốc cỡ nhỏ hơn, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng đây không phải là phương pháp giảm tác hại được khoa học công nhận.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng các sản phẩm thuốc lá không khói loại bỏ được quá trình đốt cháy, giúp giảm đáng kể hàm lượng các chất gây hại so với thuốc lá điếu, và vì thế, các sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu.
Thế nhưng, tại Việt Nam, những người hút thuốc hiện đang rối loạn trong ma trận của thị trường chợ đen, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe từ sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan có chuyên môn thẩm định.
Tình trạng buôn lậu gia tăng đồng nghĩa với con số thất thoát thuế ngày càng lớn, trong khi lại phải tăng chi phí chống buôn lậu.
Nỗ lực chống buôn lậu cũng khó đạt hiệu quả như ý muốn, vì pháp luật hiện chưa có biện pháp răn đe, nghiêm khắc để xử lý triệt để. Tình trạng bất cập này còn ảnh hưởng tới chính cách doanh nghiệp hợp pháp trong ngành.
Hậu quả buông lỏng thị trường buôn lậu thuốc lá thế hệ mới trong nhiều năm qua còn để lại nhiều hệ lụy.
Cụ thể nhất, các cửa hàng buôn bán mặt hàng này trước đây hầu như không nơi nào dám kinh doanh công khai thì nay mọc lên như nấm, thậm chí ngay các tuyến đường trung tâm, với bảng hiệu đủ màu sắc để tăng tính thu hút.
Một hệ lụy khác đáng được quan tâm, giới trẻ cũng là nạn nhân của tệ nạn thuốc lá thế hệ mới lậu.
Đại diện bộ phận quản lý của một trường cấp 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay hiện nay việc học sinh hút thuốc lá điện tử lậu không còn mới, thậm chí đang tăng mạnh và phức tạp.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn chí, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Nguyễn Sỹ Cương cho rằng cần phải có hành lang pháp lý, có quy định quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới và khi có quy định rồi cũng phải xác định ngay đấy là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Điều đó là cần thiết để giúp cơ quan chức năng như cơ quan Quản lý thị trường, Công an… thực hiện xử lý các vấn đề liên quan đến thuốc lá thế hệ mới.
Nói về vấn đề này, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Việc xây dựng chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới phải đảm bảo đủ cơ sở pháp lý, căn cứ nhu cầu thực tế và phù hợp điều kiện thực tiễn nhằm giúp công tác quản lý nhà nước đối với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được triển khai hiệu quả, đảm bảo lợi ích của các chủ thể liên quan và phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản liên quan.”
Luật hóa sớm để quản lý hiệu quả và công bằng
Đến nay, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới qua nhiều năm vẫn chưa được đưa vào quản lý tại Việt Nam. Trong khi đó, sau nhiều nghiên cứu, tính toán, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã chủ động luật hóa ngành hàng.
Tại các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc, Thụy Sĩ, Nhật Bản…, chính phủ cũng đã đánh giá nguy cơ liên quan đến việc tiếp cận của thanh thiếu niên đối với thuốc lá thế hệ mới cả trước và sau khi cho phép sản phẩm này có mặt trên thị trường.
Kết quả thu được là tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá làm nóng trong giới trẻ tại các quốc gia này đều ở mức thấp.
Mặt khác, việc cung cấp thông tin đầy đủ và rõ ràng cho những người hút thuốc lá cũng đã giúp chính phủ giải quyết các gánh nặng thuốc lá điếu nhức nhối trong nhiều thập kỷ nay.
Hiện tại, Luật phòng chống tác hại thuốc lá Việt Nam chỉ áp dụng cho thuốc lá điếu, xì gà, gây mất cân đối và có thể tạo nhiều kẽ hở trong quản lý, đặc biệt là đối với những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người như thuốc lá.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã kêu gọi quản lý mọi loại sản phẩm thuốc lá nhằm chống bình thường hóa việc sử dụng sản phẩm này./.
Ý kiến ()