Quản lý thuế giao dịch trên môi trường mạng
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 do Quốc hội ban hành quy định các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số, mạng xã hội; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong thực hiện cung cấp thông tin, kết nối thông tin phục vụ công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh giao dịch dựa trên nền tảng số, mạng xã hội. Đồng thời, quy định rõ chế tài xử lý sau thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện hành vi trốn thuế.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý
Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số, mạng xã hội đang được thực hiện theo quy định của các Luật Thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã ban hành các hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.
Đối với mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như: Google, YouTube, facebook… thì cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động này thông qua các đối tác hoặc đại lý quảng cáo của các công ty này, hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các công ty này tại Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài thì thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các nhà thầu này khi thanh toán tiền cho tổ chức nước ngoài. Đối với số thuế đã kê khai nộp thay, các doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Tài chính đã bổ sung quy định pháp lý đối với các chủ sở hữu sàn giao dịch kinh doanh trên nền tảng số, mạng xã hội (gọi tắt là Sàn). Theo đó, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo các quy định hiện hành, các Sàn có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua Sàn theo lộ trình của cơ quan thuế. Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, Sàn phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua Sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế như: họ tên; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan.
Tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về thuế đã bổ sung quy định pháp lý đối với các tổ chức tại Việt Nam là đối tác của nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam). Các tổ chức này thực hiện chi trả thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số cho cá nhân theo thỏa thuận với nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài, thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Quy định mới này nhằm tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, thu gọn đầu mối thực hiện khai thuế, nộp thuế cho nhóm đối tượng là cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số, đồng thời bảo đảm được sự phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Để chống thất thu và giám sát việc khai thuế, nộp thuế của nhóm đối tượng này, Tổng cục Thuế đã làm việc với các đơn vị chức năng tìm hiểu những bất cập trong công tác quản lý hoạt động giao dịch dựa trên nền tảng số, mạng xã hội, các phương thức đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới nhằm buộc các doanh nghiệp này tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý nội dung thông tin, quảng cáo, thanh toán và thuế. Bắt đầu từ năm 2021, Tổng cục Thuế triển khai việc đấu tranh đồng bộ với các nền tảng xuyên biên giới; thống nhất đề xuất thực hiện nhiều giải pháp về pháp lý, truyền thông, kỹ thuật, thuế… nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý đối với hoạt động giao dịch dựa trên nền tảng số, mạng xã hội nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng, bảo đảm phù hợp mô hình kinh doanh của các tổ chức nước ngoài, phù hợp thông lệ quốc tế và nhằm hạn chế việc tránh và trốn thuế.
Theo Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) Nguyễn Thị Lan Anh, trong sáu tháng đầu năm nay, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các lực lượng chức năng các cấp, các ngân hàng thương mại, công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng để cập nhật đầy đủ thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động giao dịch kinh doanh dựa trên nền tảng số, mạng xã hội; tăng cường công tác quản lý và thanh tra, kiểm tra thuế, chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan khác đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm.
Tổng cục Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa cho các doanh nghiệp kinh doanh giao dịch dựa trên nền tảng số, mạng xã hội, nhất là trường hợp các đơn vị giao nhận được ủy quyền thu tiền khi giao hàng (hình thức COD), qua đó xác định được các tổ chức, cá nhân có hoạt động, doanh thu kinh doanh giao dịch dựa trên nền tảng số, mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân này. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành công văn gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương để cùng phối hợp triển khai quản lý thuế đối với hoạt động giao dịch dựa trên nền tảng số, mạng xã hội và ban hành công văn gửi trụ sở chính tại nước ngoài của Netflix Inc, yêu cầu Netflix Inc thực hiện kê khai nộp thuế đối với khoản thu nhập phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam từ năm 2015 đến nay.
Theo số liệu quản lý trên hệ thống thuế, tại thời điểm tháng 6/2021, tổng số thuế thu được từ năm 2018 đến hết năm 2020 của các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài là hơn 3.082 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018 là 770,6 tỷ đồng; năm 2019 là 1.167,9 tỷ đồng; và năm 2020 là 1.143,7 tỷ đồng.
Ý kiến ()