Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh online: Còn nhiều bất cập
(LSO) – Với sự phát triển của khoa học công nghệ, hình thức kinh doanh qua mạng xã hội (MXH) như: Facebook, Zalo… ngày càng phổ biến. Mặc dù đem lại sự tiện lợi trong hoạt động mua, bán hàng hóa, nhưng rất nhiều người kinh doanh online chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước về nghĩa vụ thuế trong hoạt động kinh doanh này.
Tìm hiểu về hoạt động kinh doanh online, chúng tôi gặp chị N.T.H, trú tại thị trấn Cao Lộc. Chị H là chủ của một tài khoản Facebook kinh doanh online với số lượng hơn 1.000 người theo dõi. Theo chị H, mỗi tháng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh online của chị đạt khoảng 10 triệu đồng. Chị H cho biết: Tôi kinh doanh gần 3 năm nay, chủ yếu là các mặt hàng như thực phẩm, đồ gia dụng. Tôi không biết là kinh doanh online cần phải nộp thuế, và cũng không nắm được các loại thuế phải nộp. Hơn nữa từ khi bán hàng online đến nay, tôi cũng chưa tìm hiểu các quy định về vấn đề này.
Chủ kinh doanh bán hàng qua MXH bằng hình thức livestream
Không chỉ riêng chị H, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy hầu hết những người kinh doanh online với số lượng nhỏ lẻ chưa nắm được hết các quy định về nghĩa vụ thuế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất thu thuế.
Một trong những nguyên nhân khác là từ chính người tiêu dùng khi mua hàng qua MXH. Anh Nguyễn Quang Huy (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Tôi thường xuyên mua các mặt hàng như: quần áo, giày, thông qua các MXH. Khi mua hàng, tôi thường thanh toán ngay và không có thói quen lấy hóa đơn bởi như vậy khá phiền phức và mất thời gian.
Thói quen này của người tiêu dùng đã tạo cơ hội cho các chủ kinh doanh gian lận trong kê khai hóa đơn về giá trị hàng hóa, số lượng sản phẩm… Điều này không chỉ làm mất quyền lợi chính đáng của khách hàng mà còn vô tình tiếp tay cho chủ kinh doanh trốn thuế.
Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, trong năm 2020, qua rà soát 117 tài khoản cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh online, đơn vị đã mời 41 cá nhân đến làm việc để kê khai và nộp thuế. Trên thực tế, con số tài khoản kinh doanh online còn lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc giám sát doanh thu, xác định ngưỡng doanh thu của các tài khoản còn gặp rất nhiều khó khăn. Điều này do nhiều nguyên nhân như: kinh doanh online không cần đăng ký kinh doanh; chủ kinh doanh sử dụng tài khoản ảo; chủ kinh doanh giao dịch với khách hàng qua hình thức livestream (phát video trực tiếp); nhiều tài khoản kinh doanh online theo kiểu thời vụ;…
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh khẳng định: Để có thể từng bước giải quyết bài toán chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh online, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện công tác tuyên truyền quy định của pháp luật về kinh doanh online. Đồng thời, tổ chức rà soát kỹ lưỡng các tài khoản kinh doanh online trên địa bàn để đưa vào quản lý thu thuế. Cùng đó, tích cực vận động cá nhân kinh doanh tự giác chấp hành, khai báo thuế theo quy định. Đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh các giải pháp của lực lượng chức năng, mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động kinh doanh online cần tự tìm hiểu kỹ và chấp hành tốt các quy định trong lĩnh vực này.
Về nghĩa vụ thuế của cá nhân kinh doanh online, tại Thông tư 92/2015/TT-BTC, ban hành ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính quy định rõ: các cá nhân kinh doanh online có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên đều phải nộp thuế. Cụ thể, các cá nhân có thu nhập từ các trang MXH thuộc diện cá nhân kinh doanh phải khai nộp thuế theo tỷ lệ 2% thuế thu nhập cá nhân và 5% thuế giá trị gia tăng. Hành vi không kê khai và nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Các trường hợp này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. |
Ý kiến ()