Quản lý thông tin tiêm chủng: Bước ngoặt của ngành y tế
Với việc chính thức kết nối, quản lý thông tin 17.000 điểm tiêm chủng trên cả nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây là bước ngoặt không chỉ đối với lĩnh vực y tế dự phòng, mà cả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia không chỉ dành cho tiêm chủng. |
Chiều 24/3, Bộ Y tế đã tổ chức lễ khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Hệ thống đã được thí điểm thành công ở 5 tỉnh/thành phố và dự kiến triển khai áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ 1/6/2017 sẽ kết nối tất cả các cấp với 17.000 điểm phục vụ người dân được thực hiện theo cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT).
Được triển khai từ năm 2015, Hệ thống gồm 10 phân hệ, 166 chức năng bảo đảm quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng, là trẻ em, phụ nữ theo mã ID, quản lý suốt đời từ khi trẻ sinh ra (bao gồm cả tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ), quản lý vật tư vắc xin và các tiện ích khác cho người dùng như quét mã vạch đối tượng, nhắn tin cho người dân, cổng thông tin tra cứu lịch sử tiêm chủng.
Đồng thời thực hiện quản lý quá trình, toàn diện các công tác tiêm chủng cho cán bộ trực tiếp và cán bộ quản lý 4 tuyến từ Trung ương (Cục Y tế dự phòng, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện đa khoa 63 tỉnh/thành phố và tuyến huyện, xã, cơ sở tiêm chủng dịch vụ)
Trước khi phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại câu hỏi của ông Takeshi Kansai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam về ý tưởng ban đầu của hệ thống này. Quay sang bức ảnh ghi lại nụ cười của người mẹ nghèo và con của chị, Phó Thủ tướng cho biết chính hình ảnh đó đã thôi thúc những cán bộ ngành y tế, những kỹ sư CNTT trong quá trình triển khai dự án này.
“Việt Nam đang phát triển và vẫn còn nhiều lĩnh vực chậm phát triển nhưng vì tương lai của đất nước, chúng tôi luôn mong muốn mọi trẻ em Việt Nam đều được chăm sóc toàn diện trước hết là sức khỏe, từ khi còn trong bụng mẹ. Thậm chí là trước khi bố mẹ em bé quyết định có em bé sẽ được tư vấn. Và một trong những thế mạnh của Việt Nam có sự đồng thuận rất cao trên phạm vi cả nước. Cái gì đã tốt cho dân thì cùng nhau bắt tay làm đồng thời. Rất nhiều việc ở Việt Nam khi đã đồng thuận thì làm rất nhanh được”, Phó Thủ tướng nói.
Đến nay, 100% trung tâm y tế dự phòng các tỉnh/thành phố, quận/huyện và 90% trạm Y tế xã/phường/thị trấn: 90% đơn vị có máy tính kết nối Internet và có máy in.
Cục Y tế dự phòng đã tổ chức tập huấn 1.562 cơ sở (98 huyện, 1.274 xã, 107 bệnh viện, 83 cơ sở tiêm chủng dịch vụ) với số học viên là khoảng 3.000 người. Hiện nay, 100% các xã, phường thuộc 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TPHCM) đã nhập liệu (thông tin cơ bản và tiền sử tiêm) của 757.416 trẻ em trong 2 năm gần nhất trên địa bàn quản lý, rà soát và chuẩn hóa số liệu (bao gồm cả Huyện đảo Cô Tô – tỉnh Quảng Ninh).
Số cơ sở tham gia nhập liệu và sử dụng hệ thống là 1.404 đơn vị (83 huyện, 1.274 xã, 34 bệnh viện, 13 cơ sở tiêm chủng dịch vụ).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây không chỉ đơn thuần là một hệ thống CNTT hay là một phần mềm dành cho quản lý tiêm chủng mà đi kèm với nó là các hợp phần về theo dõi tình trạng sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu của từng người dân ngay tại trạm y tế. Khắc phục tình trạng người dân Việt Nam cứ mỗi khi có bệnh thì mới đi khám và mỗi lần khám lại mua một quyển sổ y bạ mới.
Quan trọng hơn đối với ngành Y tế là gắn liền quản lý tiêm chủng với mô hình quản lý bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý khám chữa bệnh… tạo thành “hệ sinh thái” của các ứng dụng CNTT trong hệ thống y tế, nhất là ở cơ sở. Các DN CNTT, làm phần mềm cần tiếp tục tham gia vào công việc này bởi để quản lý sức khỏe của người dân có rất nhiều ứng dụng khác nhau.
“Chúng ta thấy sự ngập ngừng của đồng chí Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khi nói sự kiện này có ý nghĩa lịch sử. Tôi hiểu rằng nếu chỉ riêng hệ thống này chỉ áp dụng riêng cho tiêm chủng thì sự ngập ngừng đấy là hoàn toàn đúng. Nhưng nếu hệ thống này được sử dụng để cập nhật, quản lý tình trạng sức khỏe, bệnh tật của người dân trên địa bàn mỗi khi đến khám bệnh hoặc tư vấn sức khỏe ở các bệnh viện, trạm y tế xã thì lúc đó từ “lịch sử” sẽ không còn ngập ngừng nữa” Phó Thủ tướng nói.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành y tế và nhấn mạnh đây là một quá trình kiên trì, liên tục đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành y tế để tạo bước chuyển mạnh mẽ, rõ nét về chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Đây là cam kết của Chính phủ đối với toàn dân. Bảo hiểm xã hội Việt Nam được chỉ đạo chia sẻ toàn bộ dữ liệu, thông tin cá nhân và những gì liên quan đến sức khỏe của người mua thẻ bảo hiểm y tế để Bộ Y tế cập nhật vào hệ thống này.
“Thuận lợi là chúng ta đã có một hệ thống mà cả những người không có hiểu biết gì sâu về tin học cũng hoàn toàn dùng tốt. Phần lớn các trạm y tế cơ sở cũng chưa từng hoặc rất hiếm nơi được tin học hóa nên rất thuận triển khai hệ thống đồng bộ. Chúng ta hãy bắt đầu ngay vào một hệ thống quản lý tiên tiến theo đúng xu thế thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()