Quản lý thống nhất, khai thác hiệu quả tài nguyên biển, đảo
Ngày 28-5, tiếp tục chương trình kỳ họp, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, nghe trình bày: Dự án Luật Trưng cầu ý dân; Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Trưng cầu ý dân; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân
Trong phiên làm việc buổi sáng, trình bày Dự án Luật Trưng cầu ý dân, đại diện Ban soạn thảo cho rằng, thời gian qua, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai; việc tham vấn chuyên gia và thực hiện phản biện xã hội được mở rộng; việc công khai các dự thảo văn bản luật và chính sách được coi là nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hoạch định chính sách. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân. Do vậy, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Trưng cầu ý dân, Ủy ban Pháp luật của QH tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Ủy ban Pháp luật của QH tán thành quy định “QH quyết định trưng cầu ý dân” như dự án luật, nhưng cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Ủy ban Pháp luật của QH cũng tán thành quy định “các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước” để thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là thuộc về QH đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức QH; đồng thời phù hợp nguyên tắc các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề có tầm quan trọng lớn, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, sau khi nghe đại diện Ủy ban Khoa học và Công nghệ của QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, các đại biểu tiến hành thảo luận.
Nhiều ý kiến phát biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ một số nhóm vấn đề liên quan phạm vi điều chỉnh của luật; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Các ý kiến phát biểu thống nhất cho rằng, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng trong công tác quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên môi trường biển và hải đảo, kết hợp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trên cơ sở một đầu mối. Tuy nhiên, dự án luật cần quy định cụ thể, chi tiết hơn vai trò, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia khai thác, quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đồng thời đề nghị cần có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo. Các đại biểu Ðoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) đề nghị, bên cạnh các giải pháp bảo vệ, khai thác nguồn lợi biển theo hướng bền vững hơn, cần có chiến lược bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với các vùng biển, đảo của đất nước. Cùng với đó, cần quy định các hoạt động bị nghiêm cấm, các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển. Một số đại biểu đề nghị, cần rà soát lại các nội dung, phạm vi, làm rõ quyền, nghĩa vụ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả quản lý, thu, chi ngân sách
Ðầu giờ làm việc buổi chiều, QH nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và nghe Ủy ban Tư pháp của QH trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật nói trên.
Tiếp đó, QH thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Các đại biểu Phùng Ðức Tiến (Hà Nam), Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, việc thu, chi chưa sát với thực tiễn. Tình trạng thất thu thuế, phí, hành chính sự nghiệp chưa được khắc phục. Doanh nghiệp hạch toán, kê khai các chi phí tính thuế, tính thiếu thuế diễn ra phổ biến, là một trong những nguyên nhân gây thất thu ngân sách. Các đại biểu kiến nghị, Luật Ngân sách Nhà nước sắp đưa ra QH thông qua cần khắc phục những hạn chế này; QH cần giám sát những nơi được phân bổ ngân sách nhưng có vi phạm để báo cáo Chính phủ.
Giải trình về việc bội chi ngân sách năm 2013 lên tới 6,6% GDP, vượt 41.269 tỷ đồng, Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng chỉ ra hai nguyên nhân. Ðó là do tăng chi trả nợ cho Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng và tăng chi từ nguồn vốn giải ngân ODA, chủ yếu trong lĩnh vực giao thông nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nông-lâm nghiệp. Ðể khắc phục tình trạng này, vừa qua Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công nhằm quản lý chặt chẽ hơn nguồn vốn ODA.
Theo Bộ trưởng Ðinh Tiến Dũng, để chống thất thu, thất thoát ngân sách, thời gian qua, cơ quan thuế đã tăng cường trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và làm tốt công tác thanh tra, xử lý nợ đọng. Bộ Tài chính đã tập trung phối hợp các cấp, ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra hơn 64 nghìn doanh nghiệp, phát hiện một số trường hợp lợi dụng chính sách gian lận thuế, giá trị gia tăng. Một số vụ án đã được đưa ra xử lý.
Nhận định về công tác quản lý thu ngân sách nhà nước năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tình trạng trốn thuế, gian lận thuế ở khu vực ngoài quốc doanh vẫn khá phổ biến, gây thất thu cho ngân sách. Không ít địa phương, việc chấp hành Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng phê duyệt dự án đầu tư khi chưa bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn, không bố trí vốn tập trung cho các công trình trọng điểm… Số nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản còn lớn, bên cạnh đó, vẫn còn khá nhiều công trình, dự án chậm tiến độ với xu hướng tăng so với các năm trước. Các sai phạm vẫn xảy ra trong các khâu trong quá trình đầu tư, thể hiện công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản còn những yếu kém, gây thất thoát, lãng phí nhưng vẫn chậm được khắc phục. Ðây chính là một trong những nguyên nhân khiến bội chi và nợ công tăng.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam NGUYỄN VĂN QUYỀN: Trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ trực tiếp cao nhất để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình, quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương. Ðại biểu BÙI THỊ AN (Hà Nội): Việc quản lý tài nguyên biển và thềm lục địa hiện nay do nhiều bộ cùng thực hiện dẫn đến chồng chéo và hiệu quả chưa cao. Do vậy, cần nghiên cứu thành lập Bộ Kinh tế biển nhằm nâng cao tính tập trung và thống nhất quản lý. Ðại biểu BÙI ÐỨC THỤ (Lai Châu): Khi quyết định tăng chi từ nguồn vốn giải ngân ODA, Chính phủ nên báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét trước. Nếu cần thiết báo cáo QH trước khi thực hiện, nhằm bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt hơn về kỷ luật tài chính. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()