Quản lý thị trường: Lực lượng còn mỏng, trình độ chưa đồng đều
Xử lý hơn 103.000 vụ vi phạm trong năm 2017
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường – QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2017 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra 164.355 vụ (giảm 2.746 vụ, khoảng 2% so với 2016); phát hiện, xử lý 103.146 vụ vi phạm (giảm 1.661 vụ, tương ứng 2% so với năm 2016).
Tổng số thu nộp ngân sách là 511,75 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 215 tỷ đồng; ước trị giá hàng tiêu huỷ trên 206 tỷ đồng.
Một số vụ việc được Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trịnh Văn Ngọc nêu điển hình như: Ngày 18/3/2017, đội QLTT cơ động (Chi cục QLTT Long An) tổ chức chống buôn lậu trên địa bàn xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa kiểm tra xe ô tô BKS 60S-0878 có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, người điều khiển phương tiện đã bỏ chạy để lại tang vật là 7.180 gói thuốc lá ngoại. Cùng thời điểm trên, đội QLTT cơ động cũng phát hiện, ngăn chặn 1 vụ tập kết thuốc lá lậu tại xã Thanh Lợi (huyện Bến Lức) tạm giữ 15.980 gói thuốc lá ngoại…
Về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm mà theo Cục trưởng Trịnh Văn Ngọc là vấn đề “nhức nhối”. Điển hình như, ngày 22/5/2017, Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra 3 xe ô tô tải do ông Hà Hữu Nam là chủ hàng, phát hiện 45.000kg tóp mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá khoảng 45 triệu đồng. Đội đã xử phạt 12,5 triệu đồng và tiêu huỷ toàn bộ số hàng trên.
Lực lượng còn mỏng, trình độ chưa đồng đều
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song ông Trịnh Văn Ngọc vẫn nhìn nhận những tồn tại đang hiện hữu trong lực lượng QLTT.
“Năng lực và chuyên môn của công chức QLTT ở một số đơn vị chưa đồng đều, không ít người chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Còn có công chức buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ, dẫn đến sai sót trong quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, lực lượng QLTT còn mỏng, phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như: Phòng chống dịch bệnh, giải tỏa chợ, tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành… trong khi nguồn lực về cơ sở vật chất, con người còn hạn chế đang là khó khăn rất lớn”, ông Trịnh Văn Ngọc nói.
Lãnh đạo Cục QLTT cũng cho biết, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong trao đổi, cung cấp thông tin chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tổng thể của các địa phương để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thuương mại và hàng giả còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi công vụ.
Tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và điểm tập kết hàng hóa
Về phương hướng năm 2018, ông Trịnh Văn Ngọc cho biết, năm tới lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả.
Về mặt hàng, chú trọng kiểm tra các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu như: Rượu, thuốc lá, thực phẩm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm chức năng…
Về địa bàn, lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hoá gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt… nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Long An, Tây Ninh, An Giang và các địa bàn tập trung đông dân cư, có sức tiêu thụ hàng hoá cao, như: Hải Phòng, TP Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…
“Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng sẽ được chú trọng trong năm 2018. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng địa phương, để mọi đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận, ghi nhớ được những nội dung cần chuyển tải. Ngoài hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, cần thực hiện hình thức tuyên truyền trực quan tại các địa bàn trọng điểm, các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, trụ sở các cơ quan đơn vị chức năng với nội dung phù hợp”, ông Trịnh Văn Ngọc nói.
Nhận thức rõ những vấn đề lực lượng QLTT đang gặp, ông Trịnh Văn Ngọc cũng cho biết, năm tới sẽ tập trung vào kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo, nâng cao phẩm chất chính trị cho công chức Quản lý thị trường cả nước, thường xuyên cập nhật chính sách, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ.
“Chú trọng công tác quản lý đội ngũ công chức, xử lý kỷ luật những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là những vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Đề cao vai trò người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu kéo dài thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm”, lãnh đạo Cục QLTT khẳng định.
Ý kiến ()