Quản lý tài nguyên nước bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
(LSO) – Thời gian qua, cấp chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên nước bền vững, các đơn vị khai thác đã chủ động triển khai các biện pháp. Là đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn quản lý, khai thác 123 hồ đập với 17 hồ có trữ lượng nước trên 1 triệu mét khối. Ông Đỗ Hà Bắc, Trưởng Phòng Quản lý, khai thác Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi cho biết: Hằng năm, bằng các nguồn vốn khác nhau, công ty sửa chữa, nâng cấp các hồ đập đảm bảo tích nước, điều tiết nguồn nước hợp lý, tránh lãng phí nguồn nước và đáp ứng nhu cầu sản xuất. Công ty đang xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với công trình hồ đập có trữ lượng từ 1 triệu mét khối nước trở lên, không để xảy ra lấn chiếm, ô nhiễm nguồn nước.
Cán bộ Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Lộc Bình kiểm tra hồ Nà Cáy
Đối với quản lý, khai thác tài nguyên nước phục vụ cho sinh hoạt, tại khu vực thành phố, thị trấn được Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn thực hiện. Để quản lý, khai thác hiệu quả, hằng tháng Công ty thực hiện kiểm tra định kỳ, thay thế, sửa chữa đối với các trạm bơm, đường ống; phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường thực hiện quan trắc theo quy định để phát hiện, xử lý các vấn đề về chất lượng, trữ lượng nước; sử dụng hệ thống mạng giám sát Scada từ xa, hệ thống này cho phép quản lý toàn bộ quá trình cung cấp nước từ đầu vào đến khách hàng tiêu thụ. Từ đó đảm bảo điều hành, điều tiết nguồn nước phù hợp, giảm tổn thất, chất lượng nước đảm bảo an toàn.
Không chỉ ở khu vực thành phố, thị trấn mà ở vùng nông thôn, việc quản lý, khai thác nguồn nước cho sinh hoạt cũng từng bước được đầu tư. Theo đó, thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) giai đoạn 2016 – 2020, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn triển khai đầu tư cải tạo, sửa chữa 19 công trình cấp nước sinh hoạt. Hiện nay, đã đưa vào sử dụng 2 công trình, dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành 7 công trình, bàn giao cho người dân sử dụng. Qua đó, giúp người dân được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt và sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên nước.
Theo thống kên, hiện nay, lượng nước mặt ở các hệ thống sông: Kỳ Cùng, Thương, Lục Nam, Ba Chẽ gần 5 tỷ mét khối; tại các hồ chứa là 0,135 tỷ mét khối. Các đơn vị khai thác, sử dụng nguồn nước mặt với tổng lượng khai thác gần 290 triệu mét khối/năm. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước mặt chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, một phần tạo nguồn cấp nước cho công trình cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất chủ yếu cho mục đích sinh hoạt với tổng lượng khai thác gần 6,2 triệu mét khối/năm.
Để thực hiện hiệu quả quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, UBND tỉnh ban hành các văn bản như: Quyết định phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, định hướng đến 2030; Quyết định phê duyệt danh mục vùng cấm, vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; kế hoạch triển khai thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh;…
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Với các biện pháp tích cực trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đến nay, trên địa bàn không xảy ra điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước, nguồn nước được sử dụng một cách hiệu quả trong sinh hoạt, sản xuất. Từ đó, góp phần giảm thiểu rủi ro, thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước trên địa bàn.
Ý kiến ()