Quản lý sau cai nghiện ma tuý: Còn nhiều khó khăn, thách thức
– Trong nhiều năm qua, công tác cai nghiện đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực thực hiện và có bước chuyển tích cực. Tuy nhiên, vấn đề người cai nghiện xong trở về cộng đồng và quản lý sau cai nghiện như thế nào thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Bước chuyển trong tổ chức cai nghiện
Tính đến hết tháng 5/2021, toàn tỉnh có 3.287 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; trong đó, số đối tượng nghiện đang ở ngoài cộng đồng là 2.811 người; trong nhà tạm giam, tạm giữ là 163 người; tại cơ sở cai nghiện là 313 người. Những địa bàn có số người nghiện cao tập trung tại thành phố Lạng Sơn và các huyện: Văn Lãng, Cao Lộc, Hữu Lũng…
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy (CNMT) tại cộng đồng và tại cơ sở CNMT của tỉnh. Để thực hiện công tác CNMT tại cộng đồng, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 51 tổ công tác cai nghiện, duy trì hoạt động 49 tổ với 2.184 lượt cán bộ tham gia. Những nỗ lực của các tổ công tác CNMT trên địa bàn tỉnh đã góp phần vận động được 733 người nghiện ma tuý đăng ký khai báo cai nghiện tại cộng đồng và gia đình; tổ chức cai nghiện cho 499 lượt người tại gia đình, 637 lượt người tại cộng đồng; cấp chứng chỉ hoàn thành cai nghiện được 415 lượt người; trong đó, số người tham gia điều trị thay thế bằng thuốc Methadone là 1.292 lượt người, giúp người nghiện kiểm soát được hành vi, cải thiện sức khỏe, cuộc sống và giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh trong giờ lao động trị liệu
Tại Cơ sở CNMT tỉnh, trung bình mỗi năm, đơn vị tiếp nhận khoảng 300 người đến cai nghiện và khi hết thời hạn đảm bảo các học viên cai nghiện thành công, không còn phụ thuộc vào hê rô in.
Bất cập trong quản lý sau cai nghiện
Mặc dù công tác CNMT đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập trong quản lý sau cai nghiện, nhất là khi đối tượng hoàn thành cai nghiện và trở về cộng đồng. Thực tế hiện nay và cũng là vấn đề khó khăn nhất chính là toàn tỉnh không có cơ sở quản lý sau cai theo quy định của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức CNMT tại gia đình, CNMT tại cộng đồng. Do không có cơ sở quản lý sau cai nên cũng không có kinh phí để thực hiện công tác này.
Ông Hoàng Văn Thả, Giám đốc Cơ sở CNMT tỉnh cho biết: Hiện tại, cơ sở chủ yếu thực hiện công tác cai nghiện bắt buộc, không có chức năng quản lý sau cai. Đây cũng là nguyên nhân cai nghiện chưa thật sự bền vững, dẫn đến đối tượng khi cai nghiện xong dễ tái nghiện vì các nguyên nhân như: thiếu hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ tâm lý trước khi tái hoà nhập cộng đồng.
Mặc dù đối tượng cai nghiện điều trị tại Cơ sở CNMT tỉnh được học nghề, lao động trị liệu, phục hồi và được tư vấn trước khi hoà nhập cộng đồng nhưng con số này rất ít và việc để họ trở về với cộng đồng có thể tìm kiếm được việc làm, hoà nhập được thực sự khó khăn. Bởi quá trình điều trị tại Cơ sở CNMT tỉnh, họ cũng không có nhiều thời gian lao động trị liệu, số lớp học nghề mà cơ sở phối hợp tổ chức được không nhiều do phụ thuộc vào nhu cầu và đăng ký học nghề của học viên cũng như kinh phí từ các chương trình dạy nghề của các đơn vị phối hợp. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Cơ sở CNMT tỉnh phối hợp tổ chức được 4 lớp nghề (năm 2019, 2020), chủ yếu là sửa chữa máy nông nghiệp và điện dân dụng cho gần 150 lượt học viên tham gia học. Tại các huyện, thành phố thì cả giai đoạn 2016 – 2020 mới có huyện Cao Lộc dạy nghề cho 40 lượt người; 10 đơn vị còn lại không tổ chức thực hiện…
Theo quy trình quản lý sau CNMT, khi học viên đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì giám đốc cơ sở cai nghiện cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Giấy chứng nhận được lập thành 4 bản và gửi cho 4 địa chỉ gồm: học viên, 1 tòa án Nhân dân cấp huyện nơi quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, UBND cấp xã nơi học viên đó cư trú và lưu tại cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trên thực tế, phần lớn đối tượng sau khi cai nghiện trở về địa phương đều không báo cáo với chính quyền cơ sở để quản lý, chính quyền cơ sở chỉ dựa trên kết quả giấy chứng nhận do giám đốc cơ sở cai nghiện gửi tiến hành lập hồ sơ theo dõi.
Ông Trần Danh Sĩ, Chủ tịch UBND thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Hiện trên địa bàn thị trấn có 85 trường hợp nghiện được quản lý. Trong những năm qua, thị trấn cũng có mô hình câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” để hỗ trợ các trường hợp sau cai nghiện có việc làm như: rửa xe, bán nước… nhưng nhiều năm gần đây, do các đối tượng nghiện không mặn mà tham gia nên không còn duy trì được. Hiện chúng tôi chủ yếu phối hợp với các tổ chức đoàn thể của huyện và thị trấn rà soát và tuyên truyền họ học nghề, vay vốn qua các kênh đoàn thể để tự tạo việc làm, thực tế cũng có một số ít trường hợp tự mở được quán cắt tóc, gội đầu, rửa xe hoặc chăn nuôi… Kết quả chưa cao, chủ yếu vẫn là do quyết tâm, ý chí vươn lên của người nghiện và sự đón nhận của cộng đồng đối với họ để họ có thể tự tin hoà nhập.
Trên thực tế, thời gian qua, để tạo việc làm cho người sau cai nghiện thì cấp uỷ, chính quyền các địa phương cũng tổ chức vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tiếp nhận người cai nghiện vào làm việc, thế nhưng phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thiếu niềm tin đối với người sau cai nghiện nên chưa tiếp nhận họ vào làm. Điều này càng khiến cho cơ hội tìm việc làm của họ bị thu hẹp cũng như tác động tiêu cực đến tâm lý của người sau cai nghiện, khiến họ tự ti, khó hoà nhập.
Bà N.T.M, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng cho biết: Sau khi con trai tôi hoàn thành thời gian cai nghiện tại Cơ sở CNMT tỉnh thì về gia đình cũng xin đi làm tại một số cửa hàng có người quen của gia đình đang làm việc. Nhưng các đơn vị chỉ tiếp nhận hồ sơ chứ chưa gọi đi làm. Nếu một thời gian dài chưa tìm được việc làm ổn định thì gia đình rất lo tình trạng tái nghiện trở lại, vì trên địa bàn, số đối tượng nghiện ngoài cộng đồng vẫn còn…
Ông Đinh Quang Chí, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội – Bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH cho rằng: Để công tác CNMT và quản lý sau cai của tỉnh đạt hiệu quả thì cần thiết phải có giai đoạn tiếp theo để tiếp tục thực hiện và tháo gỡ được những khó khăn về cơ chế, chính sách và cơ sở vật chất, nhân lực. Cùng với đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho những người sau cai nghiện dễ dàng tiếp cận các lớp học nghề, nguồn vốn vay để họ có một việc làm ổn định, từng bước giảm số lượng người tái nghiện trở lại, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Lời kết
Hiện nay, các chương trình chính sách dành cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai giai đoạn 2016 – 2020 đã kết thúc và Chính phủ chưa phê duyệt chương trình cho giai đoạn mới.
Trong lúc chờ đợi các chương trình của giai đoạn mới, thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Đồng thời, tích cực đấu tranh truy quét làm trong sạch địa bàn, qua đó, góp phần xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội, tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh
“Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh thì cần tháo gỡ, giải quyết được những khó khăn hiện nay. Vì vậy, các tỉnh, trong đó có Lạng Sơn đều mong muốn và đề nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng và ban hành chương trình mục tiêu phòng, chống ma tuý giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để duy trì và triển khai đồng bộ. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn thành lập cơ sở quản lý sau cai và thí điểm cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí xây dựng phòng cắt cơn điều trị tại cộng đồng cũng như các Điểm tư vấn điều trị nghiện ma túy tại một số xã, phường, thị trấn. Hằng năm, cấp kinh phí kiểm tra, giám sát công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Đề nghị Bộ Y tế tổ chức các lớp tập huấn về phác đồ cắt cơn, giải độc; nghiên cứu xây dựng các phác đồ cắt cơn giải độc phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí và năng lực cán bộ y tế ở cấp xã; thực hiện các chế độ hỗ trợ giám sát kỹ thuật cho cán bộ y tế cấp xã để tham gia cũng như thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện tại cộng đồng”. Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH |
Ý kiến ()