Quản lý sau cai nghiện: Khó trong dạy nghề, tạo việc làm
(LSO) – Hiện nay, người cai nghiện thành công đã khó, làm thế nào để sau cai nghiện họ hòa nhập cộng đồng và chống tái nghiện trở lại còn khó khăn hơn. Bởi công tác dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng này hiện còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Tỷ lệ người nghiện sau cai có việc làm thấp
Theo các số liệu thống kê những năm gần đây, chỉ có khoảng 10% người nghiện sau cai có việc làm nhưng không ổn định, chủ yếu phụ giúp công việc cho gia đình hoặc tự mở hiệu rửa xe, sửa chữa, kinh doanh nhỏ lẻ. Các đối tượng ở thành phố, thị trấn có việc làm chiếm tỷ lệ cao hơn các đối tượng ở nông thôn.
Nói về nguyên nhân dẫn tới người nghiện sau cai khó tìm được việc làm, bà Hoàng Thị Nhất, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho rằng: Chủ yếu là do họ bị hạn chế về mặt thể chất và tâm lý. Mặc dù được điều trị tại cơ sở và tại cộng đồng nhưng sự suy yếu về sức khỏe khiến cho người nghiện sau cai bất lợi khi đi xin việc.
Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn dạy lý thuyết nghề sửa chữa xe máy cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh
Cùng với nguyên nhân sức khỏe, công tác đào tạo nghề tại cơ sở cai nghiện cũng như các trung tâm dạy nghề cho đối tượng này còn hạn chế, nghề phổ thông chủ yếu là công việc lắp ghép, sửa chữa đơn giản nên đa số người nghiện khó tìm việc sau khi trở về cộng đồng. Bên cạnh đó, người nghiện ma túy vẫn còn bị kỳ thị khi đi xin việc và bị cạnh tranh gay gắt với những người lao động đã được đào tạo tại các trung tâm, cơ sở dạy nghề bên ngoài. Về nguyên nhân chủ quan, phần lớn người sau cai nghiện thường kém năng động, thiếu tự tin, thậm chí là tự ti khi tiếp xúc, trả lời phỏng vấn của các đơn vị tuyển dụng.
Một nguyên nhân không thể không nhắc đến chính là do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở chưa cao, đặc biệt là ở cấp xã, cộng đồng, khu phố, thôn xóm trong việc quan tâm, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Nhất là trong việc hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo điều kiện vay vốn cho đối tượng sau cai nghiện để phòng chống tái nghiện.
Gắn dạy nghề với lao động trị liệu
Hiện nay, toàn tỉnh có 256 đối tượng đang được cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, trong số đó có khoảng 220 học viên có đủ điều kiện sức khỏe để tham gia lao động trị liệu. Tại đây, học viên được lao động trị liệu thông qua các hoạt động như: trồng rau, chăn nuôi, lắp ghép đệm ghế ô tô, làm chiếu tre… phù hợp với sức khỏe thực tế của các học viên.
Anh Lương Văn Đ, sinh năm 1997 ở xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn vào điều trị tại cơ sở đã được 17 tháng, thông qua hoạt động lao động trị liệu, đến nay đã học và thành thạo các công đoạn làm chiếu tre. Anh Đ. chia sẻ: Tôi đã được học và làm chiếu tre hơn 1 năm nay, giờ đã thành thạo việc phân loại cũng như làm hoàn chỉnh một chiếc chiếu. Tôi mong muốn sau khi hoàn thành việc điều trị, trở về cộng đồng có thể kiếm được công việc để làm, phù hợp với khả năng lao động của bản thân.
Cùng với hoạt động lao động trị liệu, từ nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019, đầu tháng 10/2019, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn đã phối hợp với Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh khai giảng 2 lớp nghề về sửa chữa xe máy và sửa chữa điện gia dụng cho 70 học viên đang cai nghiện tại đây.
Anh Dương Quốc M., xã Đề Thám, huyện Tràng Định đã vào điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được 14 tháng, vừa rồi, anh đã đăng ký theo học lớp sơ cấp nghề sửa chữa xe máy. Anh chia sẻ: Còn mấy tháng nữa là tôi hoàn thành việc điều trị tại cơ sở và trở về cộng đồng. Trong khoảng thời gian này, tôi được cán bộ ở đây tư vấn, tuyên truyền về việc học nghề nên đã đăng ký tham gia. Tôi mong muốn sau khi học xong nghề, được cấp chứng chỉ sẽ dễ dàng tìm kiếm việc làm hơn sau khi trở về hòa nhập cộng đồng.
Cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người sau cai nghiện
Cùng với dạy nghề, đào tạo nghề phù hợp với đối tượng sau cai nghiện thì một giải pháp được xem như thiết thực hiện nay là tổ chức cho vay vốn giải quyết việc làm, dành những khoản cho vay ưu đãi, lãi suất thấp cho người sau cai nghiện thiếu việc làm, ưu đãi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có thu hút người sau cai nghiện bị thất nghiệp do Trung tâm Dịch vụ việc làm giới thiệu nhằm tạo việc làm mới và hỗ trợ giải quyết việc làm thêm cho người sau cai nghiện.
Bà Hoàng Thị Nhất, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho rằng: Khi người sau cai nghiện trở về cộng đồng, các địa phương cần tổ chức cho người sau cai nghiện đăng ký tìm việc làm với các đoàn thể trên địa bàn hoặc tại trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh. Đồng thời phân công tổ chức đoàn thể quản lý đối tượng sau cai, liên hệ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tìm việc làm cho những đối tượng đã hoàn thành tích cực các chương trình quản lý sau cai nghiện.
Để công tác quản lý sau cai nghiện thực sự hiệu quả và góp phần chống tái nghiện thì cần phải giải quyết được bài toán dạy nghề cũng như tạo được việc làm cho các đối tượng này. Bởi khi họ có việc làm thì sẽ có động lực để vươn lên hòa nhập và thực sự từ bỏ ma túy. Muốn vậy, cần phải có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, nhất là ý chí phấn đấu nỗ lực của chính những người sau cai nghiện. Đặc biệt rất cần sự hợp tác từ gia đình và sự cảm thông, chia sẻ của các doanh nghiệp khi tiếp nhận các đối tượng này vào làm việc.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()