Quản lý, rèn luyện “công bộc”
Mới đây, tại hội nghị toàn thể một cơ quan Trung ương, vấn đề đạo đức công vụ đã làm “nóng” diễn đàn. -Trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức của ta ngày càng phát triển về năng lực, trình độ song cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp thuộc phạm trù đạo đức…
Ý kiến của chủ tịch công đoàn ngành khơi nguồn cho cuộc bàn thảo sôi nổi.
– Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý đến việc xây dựng, rèn luyện đội ngũ “công bộc” của dân. Người coi đạo đức cách mạng là nền tảng, là cái gốc của người cán bộ công chức.
– Hiện nay, cần nhìn rõ thực trạng, một bộ phận không nhỏ “công bộc” thoái hóa, biến chất… họ có mặt ở rất nhiều cơ quan, đơn vị. Bộ phận này với cương vị và ảnh hưởng cá nhân khác nhau, đã và đang hằng ngày, hằng giờ cản trở sự phát triển, làm suy giảm niềm tin của dân với Đảng.
– Có những nguyên nhân thuộc về chủ quan của cá nhân, như thiếu được rèn luyện, thiếu tuân thủ những quy định, quy tắc ứng xử trong nền công vụ, nhưng cũng có những yếu tố khách quan tác động, do “kẽ hở’’ của cơ chế chính sách, có nguyên nhân do công tác lãnh đạo, quản lý…
– Vậy nên, trước hết Đảng, Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các điều lệ, nội quy, quy chế, quy định nghĩa vụ, trách nhiệm để quản lý rèn luyện phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức,
– Với từng ngành, cơ quan và đơn vị cần có tiêu chí cụ thể, cách đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu trong thi hành công vụ.
– Rất đúng, nhưng chưa đủ, một đại biểu cuối hội trường nêu ý kiến, chúng ta còn cần phát huy vai trò giám sát của người dân với “công bộc” để đội ngũ này tự giác chỉnh đốn, làm việc đúng nguyên tắc, chức trách.
-Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, cần tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động về đạo đức công vụ nhằm tham gia xây dựng Đảng, cấp ủy, chính quyền cơ sở, mỗi cơ quan, đơn vị thật sự trong sạch, vững mạnh – nhân tố động lực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()