Quản lý quỹ bảo hiểm y tế - đảm bảo quyền lợi cho người tham gia
LSO-Những năm qua, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lạng Sơn luôn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn, đặc biệt là ngành y tế để triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), chăm lo bảo đảm sức khỏe cho người dân.
![]() |
Người dân khám bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh – Ảnh: TRIỆU THÀNH |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 699.197 người tham gia BHYT, chiếm khoảng 91% dân số. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã quan tâm phối hợp tốt với ngành y tế trong việc tổ chức khám, chữa bệnh (KCB) cho người bệnh có thẻ BHYT từ tỉnh đến xã với 234 cơ sở KCB, đảm bảo cho người dân, nhất là người dân tại địa bàn các xã đi lại khó khăn được tiếp cận với dịch vụ KCB BHYT một cách thuận lợi nhất. Trung bình hằng năm BHXH thanh toán cho trên 800.000 lượt bệnh nhân có thẻ BHYT, với số tiền trên 200 tỷ đồng/năm.
Cùng với việc nâng cao chất lượng KCB BHYT, BHXH tỉnh còn quan tâm thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ KCB BHYT. Từ năm 2015 trở về trước, quỹ BHYT của tỉnh hằng năm đều có kết dư cao, mỗi năm kết dư hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2016, do chính sách BHYT có nhiều thay đổi, đặc biệt là việc tăng giá viện phí và thông tuyến KCB BHYT dẫn đến chi phí KCB toàn tỉnh tăng rất cao với số tiền thanh toán đến trên 480 tỷ đồng (bằng 175,7% so với năm 2015). Trong 5 tháng đầu năm 2017, chi phí KCB trên địa bàn tỉnh là 193 tỷ đồng, tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do việc áp dụng giá viện phí theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC có mức giá cao hơn nhiều so với quyết định giá viện phí trước đây do tỉnh xây dựng. Mặt khác, việc thực hiện thông tuyến KCB tuyến huyện trên địa bàn tỉnh dẫn đến tần suất KCB tăng, nhất là tại một số cơ sở KCB phòng khám đa khoa tư nhân. Nhiều người có thẻ BHYT đi khám bệnh nhiều lần để lấy thuốc, không mắc bệnh hoặc mắc bệnh nhẹ nhưng vẫn thường xuyên đi KCB, khám nhiều chuyên khoa khác nhau để lấy thuốc. Tại một số cơ sở KCB có tình trạng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật, nhiều xét nghiệm không cần thiết, dẫn đến chi phí tăng cao. Ước tính hết tháng 6/2017, số chi BHYT toàn tỉnh chiếm khoảng 60% tổng quỹ được giao cả năm 2017, do đó việc bội chi quỹ KCB BHYT trên địa bàn tỉnh là điều khó tránh khỏi.
![]() |
Người dân đến đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Nhận thức được điều đó, ngay từ đầu năm 2017, BHXH tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, chống lạm dụng quỹ BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng khi tham gia và thụ hưởng các chế độ BHYT. Cụ thể: phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, triển khai tốt công tác KCB BHYT trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện quy trình giám định BHYT tập trung tại các cơ sở KCB trong toàn tỉnh theo đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Đồng thời tăng cường kiểm tra tại các cơ sở KCB BHYT, chú trọng kiểm tra các cơ sở KCB có chi phí lớn và kiểm tra chéo giữa các bệnh viện để kiểm soát chi phí. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã tổ chức kiểm tra và thẩm định chứng từ tại hầu hết các cơ sở KCB, qua công tác giám định đã từ chối thanh toán số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT tại các cơ sở KCB nhằm phục vụ kết nối liên thông cơ sở dữ liệu KCB BHYT trên địa bàn tỉnh, góp phần giám định và thanh toán chi phí cho các đơn vị nhanh chóng, chính xác, minh bạch, loại bỏ các chi phí không đúng quy định kể cả từ phía cơ sở KCB và người bệnh trong trường hợp KCB nhiều lần trùng lặp chi phí.
Để tăng cường kiểm soát quỹ KCB BHYT, sử dụng quỹ hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các ngành, nhất là ngành y tế trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ BHYT của địa phương. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT; áp dụng phương pháp giám định tập trung và phương pháp giám định hồ sơ thanh toán chi phí KCB BHYT theo tỷ lệ, tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất; tăng cường thực hiện công tác thu BHYT, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo thu đúng, thu đủ, hạn chế trốn đóng, nợ đóng BHYT trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình sớm đạt chỉ tiêu, tiến tới BHYT toàn dân theo lộ trình… Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật BHYT, đặc biệt là quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia BHYT đến tất cả các cấp, ngành, các đoàn thể và cộng đồng dân cư để mọi người dân hiểu, từ đó tích cực tham gia và thực hiện tốt Luật BHYT.
ĐỖ VĂN KHOAN
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()