Quản lý phương tiện giao thông đường thủy ở Kiên Giang
Là một tỉnh có thế mạnh về giao thông đường thủy, nhưng công tác quản lý nhà nước ở Kiên Giang trên lĩnh vực này thời gian qua chưa được coi trọng. Đẩy mạnh công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện là một trong những cách làm mà tỉnh đang thực hiện nhằm hạn chế những nguy cơ tai nạn giao thông tiềm ẩn có thể xảy ra.Xem nhẹ công tác quản lýTỉnh Kiên Giang hiện có hơn 2.700 km sông, kênh, rạch đang được khai thác để vận tải đường thủy với 123 tuyến. Trong đó tuyến đường dài nhất có cự ly 160 km từ TP Rạch Giá đi TP Cà Mau và tuyến ngắn nhất có cự ly 9,3 km từ cảng An Thới đến xã Hòn Thơm (Phú Quốc). Có 35 đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải hành khách đường thủy, với 291 phương tiện, bằng 11.700 ghế. Mỗi năm, các tuyến giao thông đường thủy vận chuyển khoảng 7,8 triệu lượt hành khách và khoảng 3,8 triệu tấn hàng hóa, chiếm 71% lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn. Hệ thống vận tải đường thủy nội địa ở Kiên Giang đã...
Xem nhẹ công tác quản lý
Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 2.700 km sông, kênh, rạch đang được khai thác để vận tải đường thủy với 123 tuyến. Trong đó tuyến đường dài nhất có cự ly 160 km từ TP Rạch Giá đi TP Cà Mau và tuyến ngắn nhất có cự ly 9,3 km từ cảng An Thới đến xã Hòn Thơm (Phú Quốc). Có 35 đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải hành khách đường thủy, với 291 phương tiện, bằng 11.700 ghế. Mỗi năm, các tuyến giao thông đường thủy vận chuyển khoảng 7,8 triệu lượt hành khách và khoảng 3,8 triệu tấn hàng hóa, chiếm 71% lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn. Hệ thống vận tải đường thủy nội địa ở Kiên Giang đã và đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh và là tuyến giao thông chủ yếu ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Thế nhưng, điều lo ngại hiện nay là ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường thủy nội địa của người dân còn thấp, cộng với công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng còn bị xem nhẹ. Phát biểu ý kiến tại một hội nghị chuyên ngành ngày 24-3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhìn nhận: 'Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với phương tiện thủy nội địa trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác này bị xem nhẹ so với công tác quản lý giao thông đường bộ'. Theo Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Kiên Giang Đỗ Tiến Vinh, tình trạng bến bãi, phương tiện giao thông đường thủy mất an toàn sau khi đăng ký, đăng kiểm đang có xu hướng gia tăng. Thời gian gần đây, phần lớn vụ tai nạn giao thông đường thủy đều liên quan đến phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ theo quy định.
Không chỉ xem nhẹ việc quản lý các phương tiện giao thông đường thủy mà các ngành chức năng ở Kiên Giang còn bỏ mặc cho các tàu, thuyền chở khách du lịch tự do hoạt động. Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang: 'Đáng lo ngại là công tác quản lý nhà nước hiện nay chưa thực hiện đối với phương tiện vận chuyển khách du lịch chung quanh đảo Phú Quốc, khu vực Hòn Phụ Tử (huyện Kiên Lương), nên còn phổ biến tình trạng phương tiện không bảo đảm chất lượng, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ'. Hiện các tàu ở khu vực này chủ yếu chở khách du lịch đi tham quan các đảo trên vùng Biển Tây, nhưng hầu hết các phương tiện không hoặc chưa đủ tiêu chuẩn. Nhiều tàu được đóng cách đây khá lâu, chỉ được cải tiến lại nên thân và máy cũ kỹ và thiếu những thiết bị an toàn cần thiết khác. Chủ một thuyền du lịch tại xã Bình An, huyện Kiên Lương cho biết: Mỗi năm có từ một đến hai đoàn của huyện, tỉnh xuống kiểm tra, nhắc nhở, phạt hành chính. Theo chủ phương tiện này, nếu thực hiện theo đúng quy định về vận chuyển khách du lịch thì khó có phương tiện nào tại các khu du lịch ở Kiên Giang đạt tiêu chuẩn.
Tập trung đăng ký,đăng kiểm phương tiện
Kiên Giang đang nổ lực lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy. Một trong những giải pháp là đẩy mạnh thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Kiên Giang, đến nay tỉnh Kiên Giang mới cấp đăng ký cho khoảng 40 nghìn trong tổng số 83.800 phương tiện giao thông đường thủy nội địa, chiếm chưa đến 50% tổng số các phương tiện hiện có trên địa bàn. Nguyên nhân phương tiện đăng ký đạt thấp là do người dân chưa ý thức được việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện trước hết là nhằm bảo đảm quyền lợi cho chính người sử dụng. Mặt khác, do phần lớn chủ phương tiện giao thông thủy là người ở nông thôn nên điều kiện kinh tế cũng như đi lại của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Để giảm khó khăn cho bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa và để sớm hoàn thành công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, ông Đỗ Tiến Vinh cho biết: Chi cục Đăng kiểm sẵn sàng cử cán bộ đăng kiểm hỗ trợ bà con đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy tập trung tại những địa bàn dân cư. Mới đây, Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang đã ra kế hoạch, phân công Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái phối hợp với Chi cục Đăng kiểm tỉnh tổ chức đăng ký, đăng kiểm tại các xã, cụm xã tập trung ở các huyện như: Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Biên, Châu Thành, Tân Hiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng, phải xem việc xử lý vi phạm cũng là một trong những biện pháp nhằm tuyên truyền, giáo dục hiệu quả đối với các trường hợp vi phạm. Đại tá Nguyễn Văn Nhúm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho rằng: Để đẩy mạnh công tác này, lực lượng chức năng ở các địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các lỗi vi phạm. Trong đó, tập trung xử lý nghiêm các lỗi chở quá tải, quá số người, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ theo quy định. Tuy nhiên cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Nhúm, thời gian qua việc xử lý phương tiện giao thông đường thủy vi phạm luật còn gặp nhiều khó khăn. Do lực lượng tuần tra còn mỏng, địa bàn rộng nên khó bao quát. Sau khi xử lý phương tiện vi phạm, không có bến bãi để tạm giữ, bảo quản phương tiện.
UBND tỉnh Kiên Giang phấn đấu, đến cuối năm nay phải hoàn thành công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường thủy trên địa bàn. Vì vậy, các ngành chức năng và các địa phương ở Kiên Giang cần tập trung tuyên truyền sâu rộng đến tổ nhân dân tự quản, tận nhà và người dân về việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Các lực lượng chức năng mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý phương tiện nhằm tác động đến ý thức chấp hành của người dân. Ngành giao thông và các địa phương cần điều tra, cập nhật số lượng phương tiện giao thông đường thủy hiện có để bảo đảm công tác đăng ký, đăng kiểm đạt kết quả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()