Quản lý mã số vùng trồng: Đảm bảo "giấy thông hành" cho nông sản xuất khẩu
– Thời gian qua, cùng với việc xây dựng mã số vùng trồng (MSVT) nông sản, cơ quan chuyên môn và chính quyền các huyện, thành phố đã tăng cường thực hiện các giải pháp giám sát, quản lý để duy trì MSVT, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Nông dân huyện Chi Lăng chăm sóc cây ớt
Mã số vùng trồng có vai trò rất quan trọng, là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản và là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Hiệu quả bước đầu
Diện tích trồng ớt trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.500ha, với sản lượng thu hoạch gần 14 nghìn tấn. Với việc chủ động xây dựng được 37 MSVT ớt, diện tích 241,025 ha, trong 8 tháng đầu năm 2023, sản lượng ớt xuất khẩu của tỉnh sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 8 nghìn tấn.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, từ năm 2020 đến nay, Lạng Sơn đã có 178 vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp mã số với diện tích 898,169ha. Trong đó, có 140 MSVT thạch đen, diện tích 660,774 ha; 37 MSVT ớt, diện tích 241,025 ha; 1 MSVT bưởi, diện tích 15,87 ha. Tất cả những sản phẩm nông sản được xây dựng MSVT đều đã được xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch hàng địa phương xuất khẩu đạt 97 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản phẩm nông sản địa phương xuất khẩu là 12 nghìn tấn (chủ yếu là ớt và thạch đen), trị giá hơn 18 triệu USD.
Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Lạng Sơn có diện tích đất nông, lâm nghiệp 720.491 ha, chiếm 86,7% tổng diện tích đất tự nhiên; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 114.563 ha, chiếm 13,79%. Đồng thời, với khí hậu á nhiệt đới, địa bàn tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại nông sản đặc thù. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của các loại nông sản, nhất là những loại nông sản đặc sản phải thúc đẩy xuất khẩu. Để thực hiện được điều đó, việc đầu tiên là phải xây dựng MSVT nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nước nhập khẩu.
Từ năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản đối với các sản phẩm nông sản chủ lực nhằm đáp ứng các điều kiện cấp MSVT. Đồng thời, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xin cấp MSVT.
Việc xây dựng MSVT đã giúp thay đổi nhận thức của bà con nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Các nước nhập khẩu ngày càng nâng cao rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm. Hiện nay, tại nhiều địa phương mới chỉ tập trung mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm yêu cầu của đối tác. Ở một số nơi, nhận thức của người sản xuất về MSVT và lợi ích của nó còn khá mơ hồ. Do vậy, thời gian tới, các địa phương trên toàn quốc nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng cần thực hiện và chịu trách nhiệm toàn bộ việc thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp MSVT và bảo đảm duy trì điều kiện kỹ thuật đối với các vùng trồng đã được cấp mã số. Các đơn vị liên quan phải thực hiện giám sát định kỳ các vùng trồng đã được cấp mã số theo hướng dẫn, quy định của nước nhập khẩu; thực hiện thu hồi mã số đã cấp với các vùng trồng không đáp ứng quy định về vùng trồng sản phẩm…”. Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT |
Tăng cường quản lý
Mặc dù việc xây dựng và cấp MSVT một số cây trồng của tỉnh đã đạt được một số kết quả, song quá trình triển khai việc duy trì MSVT trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn nhất định như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; không đồng nhất trong từng vùng trồng; nhận thức của người sản xuất về mã số vùng trồng và lợi ích của nó mang lại cũng còn hạn chế. Vì thế khi vùng trồng được cấp mã số nhưng có thời điểm người sản xuất trực tiếp lơ là trong việc cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu để quản lý một cách thường xuyên (mùa vụ, các tác động vào vùng trồng, loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, ngày thu hoạch…).
Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, điển hình một số vùng trồng thạch tại huyện Tràng Định sau khi được cấp mã số nhưng mỗi hộ một cách chăm bón khác nhau nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, dẫn đến không đảm bảo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Qua kiểm tra thực tế, các vùng trồng thạch tại huyện Tràng Định, tháng 6/2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật thực hiện hủy 9 mã số vùng trồng thạch đen do không đảm bảo duy trì thực hiện các quy định của vùng trồng.
Từ thực tế này cho thấy, sau khi thực hiện cấp MSVT, công tác quản lý MSVT cũng cần được tăng cường thực hiện hơn nữa. Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng phòng Trồng trọt – Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Là đơn vị phụ trách quản lý MSVT, thời gian qua, bên cạnh việc thiết lập, xây dựng MSVT, để đảm bảo các vùng trồng sau khi đã được cấp mã số duy trì, đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, chi cục thường xuyên phối hợp với phòng NN&PTNT, trung tâm DVNN các huyện thực hiện giám sát định kỳ và thực hiện lấy mẫu giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm xuất khẩu (thạch đen, ớt).
Theo đó, các MSVT được kiểm tra 1 lần/vụ và được thực hiện trước thời điểm thu hoạch, tập trung vào các tiêu chí như: việc ghi chép các tác động lên cây trồng trong quá trình sản xuất; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; các thông tin về sự thay đổi của MSVT (diện tích, người đại diện, số hộ tham gia…). Việc kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục những sai sót, đảm bảo chất lượng nông sản luôn đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đối với các vùng trồng không đáp ứng các tiêu chí, đơn vị sẽ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật thu hồi MSVT.
Cùng với đó, UBND các huyện cũng đã và đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc triển khai một số giải pháp nhằm duy trì các MSVT. Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Trên địa bàn huyện có 31 MSVT ớt xuất khẩu tương ứng với 192,2 ha. Để duy trì các MSVT, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, phòng đã tích cực phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền, tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch ớt đảm bảo theo đúng yêu cầu đối với sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Ngoài huyện Chi Lăng, qua trao đổi với lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định, được biết, phòng đã cử cán bộ chuyên trách hướng dẫn bà con trồng thạch đen, đặc biệt là những hộ có vùng trồng thạch đã được cấp mã số không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép trong quá trình chăm sóc thạch đen. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở các hộ trồng thạch đen cần ghi chép đầy đủ nhật ký nông hộ bao gồm các nội dung như: ngày gieo trồng, giai đoạn phát triển của cây trồng, sinh vật gây hại trong quá trình điều tra, ngày bón phân, phun thuốc, loại phân bón, loại thuốc, liều lượng sử dụng…
Việc cấp MSVT có ý nghĩa thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nước nhập khẩu, thúc đẩy hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh xuất khẩu, đảm bảo đầu ra cho người nông dân. Công tác giám sát, quản lý duy trì MSVT sẽ góp phần giúp nông dân làm quen với việc lập và lưu lại hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.
“Để xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, thì các sản phẩm nông sản của tỉnh như ớt, thạch đen… phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm theo đúng Lệnh 248 (quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu) và Lệnh 249 (quy định về biện pháp an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Theo đó, để sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, trong quá trình chăm sóc, bà con nông dân cần chú ý không để có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Đồng thời để đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm, sau khi thu hoạch, bà con không được để lẫn sản phẩm chuẩn bị xuất khẩu với những sản phẩm nông sản khác…”. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn |
HỒ DUNG - TRÍ DŨNG
Ý kiến ()