Quản lý lao động qua biên giới: Thực trạng và giải pháp
LSO- Trong nhiều năm qua, Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý lao động (QLLĐ) qua biên giới, tuy nhiên, số lượng lao động (LĐ) qua biên giới làm việc theo hình thức hợp pháp chưa cao, đang còn rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Lao động qua biên giới tăng cao
Theo thống kê của ngành chức năng, tổng số lượt người qua biên giới năm 2017 là 42.482 lượt (ước bình quân số người là 11.000 người) và 3 tháng đầu năm 2018 là 11.967 lượt (ước bình quân số người là 5.500 người), trong đó, huyện Lộc Bình có tỷ lệ cao nhất tỉnh với hơn 2.341 lượt người.
Theo nhận định của ngành chức năng, phần lớn LĐ sang Trung Quốc làm thuê trái phép hoặc xuất cảnh hợp pháp (có giấy thông hành) nhưng không đăng ký với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp (DN) có tư cách pháp nhân trong hoạt động dịch vụ cung ứng, tuyển dụng LĐ. Từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018, toàn tỉnh chỉ có 631 LĐ đi Trung Quốc làm việc thông qua các đơn vị dịch vụ việc làm (DVVL). Trong đó, qua Trung tâm DVVL tỉnh là 598 LĐ; qua Công ty Cổ phần Thương mại Lạng Sơn tuyển là 33 LĐ. Qua đây cho thấy, người LĐ chưa “mặn mà” đi làm việc ở nước ngoài theo kênh hợp pháp.
Đi tìm nguyên nhân
Tìm hiểu nguyên nhân chúng tôi được biết, phần lớn người dân chưa “mặn mà” đi làm việc ở nước ngoài theo kênh hợp pháp là do họ e ngại việc mất thời gian làm thủ tục hồ sơ, mất chi phí làm giấy thông hành và các chi phí thủ tục như: bảo hiểm, kiểm tra sức khỏe, đăng ký tạm trú. Hơn nữa, người LĐ đa phần là LĐ nông thôn, thường tranh thủ lúc nông nhàn tìm việc làm thời vụ nên gây không ít khó khăn cho việc tuyển dụng LĐ đi làm tại công xưởng có thời gian ổn định, lâu dài. Anh L.V.N, người dân ở xã Tân Lang, huyện Văn Lãng chia sẻ: Tôi đã sang Trung Quốc làm thuê mấy lần, thấy khá chủ động về thời gian và việc lựa chọn công việc. Vừa rồi, tôi cũng tìm hiểu đi làm qua Trung tâm DVVL của tỉnh nhưng thấy thủ tục, chi phí cũng tốn kém nên lại thôi.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn việc làm cho người lao động
Cùng với câu chuyện về thủ tục là hạn chế của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về LĐ tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cấp, các đơn vị DVVL với cơ quan quản lý nhà nước chưa rõ ràng. Việc nắm bắt thông tin nhu cầu tuyển dụng LĐ của các DN tại Trung Quốc để phân nhóm ngành nghề, thời gian, địa điểm làm việc còn hạn chế nên việc thông báo cho LĐ có nhu cầu chưa cụ thể chi tiết, dẫn đến người dân có ít thông tin về việc làm theo đường chính ngạch.
Còn nhiều vướng mắc
Theo đánh giá của ngành chức năng, trong quá trình hợp tác, phía thành phố Sùng Tả phát sinh một số vướng mắc như: một số nội dung triển khai thực hiện không đúng như trong Biên bản hội đàm đã ký kết giữa 2 bên; các chủ DN không thực hiện ký kết hợp đồng LĐ trước khi người LĐ làm việc theo quy định mà chỉ ký kết giữa công ty điều phối và DN sử dụng LĐ.
Cán bộ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh giải quyết thủ tục liên quan đến xuất cảnh cho người dân
Ngoài ra, trong quy định cửa khẩu nhập cảnh cũng nảy sinh khó khăn như: trước đây cho phép LĐ đi qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc nhưng đến ngày 5/4/2018, phía thành phố Sùng Tả quy định LĐ có giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới và đi qua cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng. Việc quy định cứng này đã gây khó khăn, tốn kém cho LĐ của tỉnh ở các huyện xa cửa khẩu.
Việc cấp giấy phép tạm trú có thời hạn một tháng cho LĐ Lạng Sơn (Việt Nam) của Công an Sùng Tả (Quảng Tây – Trung Quốc) cũng gây khó khăn, tốn kém vì đi lại nhiều lần để làm thủ tục nhập cảnh và ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của NLĐ tại các công ty có thời gian ổn định, lâu dài.
Tháo gỡ khó khăn
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tập trung tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật Trung Quốc trước khi xuất cảnh sang Trung Quốc làm việc, đặc biệt chú trọng tuyên truyền ở xã, thôn, bản. Cùng với đó, ngành chủ quản về LĐ cũng có những giải pháp cụ thể. Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Chúng tôi chỉ đạo phòng nghiệp vụ thường xuyên trao đổi thông tin 2 chiều giữa 2 cơ quan quản lý LĐ để điều chỉnh, bổ sung cơ chế cho phù hợp, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.
Đối với các lực lượng chức năng như: công an, bộ đội biên phòng, Sở Ngoại vụ… cần có các giải pháp cụ thể để phối hợp xử lý nhằm tháo gỡ một số khó khăn như đã đề cập. Bên cạnh các giải pháp QLLĐ qua biên giới thì thiết nghĩ, cần quan tâm giải quyết việc làm trong nước nhằm tạo việc làm ổn định cho người LĐ, hạn chế tình trạng LĐ qua biên giới tìm việc không qua kênh hợp pháp như hiện nay.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()