Quản lý khai thác cát, sỏi: Gỡ khó cho địa phương
LSO-Ngày 11/9/2013, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 926/UBND-KTN về khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trong một số trường hợp đặc biệt.
LSO-Ngày 11/9/2013, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 926/UBND-KTN về khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trong một số trường hợp đặc biệt. Chủ trương của UBND tỉnh một mặt vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, tránh biến tướng thành các hình thức khác, đồng thời cũng gỡ khó cho các địa phương về nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ.
![]() |
Xuồng khai thác cát ở thôn Bản Trại, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định đã ngừng hoạt động |
Trên địa bàn huyện Tràng Định có 3 dòng sông lớn chảy qua là sông Bắc Khê, sông Kỳ Cùng và sông Bắc Giang. Trong những năm qua, việc khai thác cát, sỏi trên các dòng sông này diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là trên sông Kỳ Cùng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, thời gian cao điểm có tới gần 70 xuồng hút cát trên các dòng sông này. Các hoạt động khai thác cát sỏi trái phép đã tác động xấu tới môi trường, làm thay đổi dòng chảy của các dòng sông, gây lở các bãi bồi ven sông…Thực hiện chỉ đạo của UBDN tỉnh, huyện Tràng Định đã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động khai thác. Ông Lý Xuân Thuyền, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tràng Định khẳng định: từ tháng 10/2012 hoạt động khai thác cát, sỏi, vàng, sa khoáng trái phép trên địa bàn đã chấm dứt.
Cũng giống như huyện Tràng Định, cách đây vài năm tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi và sa khoáng trên địa bàn huyện Bình Gia cũng diễn ra nhức nhối. Đặc biệt tập trung ở các địa phương như Hồng Phong, Hoa Thám, Vĩnh Yên, Quý Hòa…với tổng số khoảng trên 30 xuồng hoạt động liên tục. Trước thực trạng này, từ năm 2011, Bình Gia đã tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm và đến đầu năm 2013 tình trạng đã cơ bản chấm dứt. Không chỉ riêng Tràng Định, Bình Gia mà tất cả các địa phương trong tỉnh đều siết chặt quản lý trong khai thác cát, sỏi, sa khoáng trên các sông qua địa bàn. Việc khai thác cát sỏi trái phép trong những năm trước đây đã tác động không nhỏ đến dòng chảy của sông, suối và ảnh hưởng xấu tới môi trường. Theo các cơ quan chức năng thì hầu hết các hoạt động khai thác cát, sỏi đều gắn liền đến khai thác trái phép vàng và sa khoáng. Chính vì vậy việc siết chặt quản lý, chấm dứt các hoạt động này là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên ngay sau khi ngừng các hoạt động khai thác, nhiều địa phương lại đứng trước nguy cơ khan hiếm vật liệu xây dựng. Bởi lẽ trước đây các xuồng khai thác này lại chính là nguồn cung cấp vật liệu tại chỗ lớn nhất với giá thành rẻ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết: vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng tại chỗ, các địa phương đã phản ánh, kiến nghị và ngành cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh các phương án giải quyết. Mới đây, ngày 11/9/2013, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 926/UBND-KTN về khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trong một số trường hợp đặc biệt. Theo đó, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương vận dụng quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010 để thực hiện cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trong một số trường hợp đặc biệt như: công trình đảm bảo giao thông, công trình xây dựng nhà ở của các hộ dân nông thôn, các dự án có quy mô nhỏ thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, … sử dụng khối lượng cát, sỏi xây dựng không lớn, có khả năng đáp ứng tại chỗ nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có giảm giá thành xây dựng, đáp ứng tiến độ thi công.
Tuy nhiên, để tăng cường công tác quản lý, UBND tỉnh chỉ đạo hoạt động khai thác khoáng sản cần được phân loại. Đối với các công trình đảm bảo giao thông mang tính chất cấp bách, cần xử lý gấp; công trình xây dựng nhà ở của các hộ dân nông thôn; dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới ở các vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện cung ứng, vận chuyển vật liệu khó khăn và có khối lượng cát, sỏi sử dụng không lớn, đảm bảo khả năng cung cấp tại chỗ, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư công trình và các cơ quan liên quan xem xét, xác minh địa điểm đăng ký, đề xuất UBND tỉnh các vấn đề về khai thác và cơ chế quản lý cá biệt cho từng công trình. Đối với các công trình có thời gian thực hiện dài, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất cơ chế quản lý theo hướng rút gọn nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Với các trường hợp khác, quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác yêu cầu thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật khoáng sản 2010.
Ông Hồ Tiến Thiệu khẳng định: đây là chủ trương rất kịp thời, gỡ khó về nguồn vật liệu cho các địa phương, hiện nay ngành cũng đang khẩn trương hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo vẫn quản lý chặt chẽ, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu về vật liệu tại chỗ.
VŨ NHƯ PHONG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()