Quản lý hoạt động kinh doanh phân bón: Tăng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
– Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên quan đã tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng phân bón. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh không phép, bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, bán phân bón giả, kinh doanh không đúng địa chỉ đăng ký kinh doanh hợp pháp…
Lực lực chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Tràng Định
Từ đầu tháng 6/2023 đến nay, để đảm bảo chất lượng phân bón phục vụ vụ mùa năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) các huyện: Bình Gia, Chi Lăng, Đình Lập, Văn Lãng, Tràng Định, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn kiểm tra 55 cơ sở kinh doanh mặt hàng phân bón, qua đó phát hiện 19 cơ sở kinh doanh vi phạm các lỗi: không có sổ ghi chép; bán hàng có nguồn gốc nước ngoài không có nhãn phụ; kho bảo quản không đảm bảo; kinh doanh sai địa chỉ đăng ký kinh doanh;…, đặc biệt, phát hiện 4 cơ sở kinh doanh phân bón không phép (cơ quan quản lý nhà nước đã xử phạt và bắt buộc chủ cơ sở ngừng hoạt động kinh doanh).
Ông Phan Văn Sáu, Trưởng Phòng Thanh tra – Pháp chế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Nhu cầu về phân bón phục vụ chăm sóc các loại cây trồng trong vụ mùa năm 2023 của tỉnh từ 24 – 26 nghìn tấn các loại. Để quản lý chặt hoạt động của các cơ sở kinh doanh mặt hàng phân bón, từ đầu năm 2023 đến nay, đặc biệt là vào những thời điểm trước các mùa vụ, chi cục đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức thanh, kiểm tra 157 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh. Qua hoạt động thanh, kiểm tra của ngành chức năng, phần lớn các cơ sở được kiểm tra đều thực hiện tốt các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn phát hiện 46 cơ sở kinh doanh không đảm bảo về các điều kiện kinh doanh mặt hàng phân bón.
Ngoài những cơ sở kinh doanh phân bón do cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành kiểm tra phát hiện vi phạm, từ tháng 6/2023 đến 26/7/2023, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cũng đã kiểm tra, phát hiện 18 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm. Trong đó, các cơ sở vi phạm bán hàng không niêm yết giá, bán hàng không rõ nguồn gốc, nhãn hàng hóa ghi không đúng;… Điển hình, riêng Đội QLTT số 7 (phụ trách địa bàn huyện Tràng Định và Văn Lãng) qua kiểm tra 14 cơ sở kinh doanh phân bón, đã phát hiện 6 cơ sở vi phạm, trong đó có 1 cơ sở kinh doanh mặt hàng phân bón giả nhãn hiệu NPK, 2 cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng phân bón, 3 cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng.
Ông Vũ Hồng Trung, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Lãnh đạo cục đã chỉ đạo các đội chủ động theo dõi, đánh giá đúng tình hình hoạt động kinh doanh phân bón tại từng địa bàn; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm tra đối với những cơ sở, cá nhân hoạt động kinh doanh phân bón có dấu hiệu vi phạm, từng có vi phạm hoặc có thông tin, tài liệu về hoạt động vi phạm để kịp thời phát hiện, xử lý.
Cùng đó, theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, số lượng sản phẩm phân bón đang lưu hành trên thị trường có rất nhiều loại, khiến người nông dân rất khó phân biệt về chất lượng, quy trình sử dụng phù hợp.
Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Bên cạnh công tác thanh, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh phân bón, chi cục sẽ phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn nông dân cách phân biệt phân bón là hàng giả, hàng kém chất lượng… đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; chủ động công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và niêm yết công khai danh mục, giá bán từng loại sản phẩm.
Hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp nói chung, đặc biệt là mặt hàng phân bón trên địa bàn tỉnh gần đây phát triển mạnh. Cụ thể, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 450 cơ sở kinh doanh phân bón, tăng 57 cơ sở so với thời điểm cuối năm 2022. Tuy nhiên, từ thực trạng về những vi phạm trong hoạt động kinh doanh mặt hàng phân bón trong thời gian qua, thấy rằng, để bảo vệ lợi ích của người nông dân, rất cần các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực vật tư nông nghiệp nói chung và mặt hàng phân bón nói riêng. Cùng đó, ngoài sự kiểm soát chặt của cơ quan chức năng, bà con nông dân cũng nên chọn mua sản phẩm tại các cửa hàng uy tín để bảo đảm chất lượng phân bón, từ đó đảm bảo năng suất và chất lượng cây trồng.
Ý kiến ()