Quản lý hoạt động di tích và lễ hội ở Hữu Lũng
LSO-Hữu Lũng là huyện có nhiều di tích lịch sử khảo cổ, tôn giáo, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh. Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, công tác bảo vệ, xếp hạng và tu bổ, tôn tạo di tích - danh thắng đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện.
Chùa Làng Giàng – Di tích được xếp hạng cấp tỉnh |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hữu Lũng có tổng cộng 113 di tích bao gồm: 68 di tích tôn giáo tín ngưỡng, 16 di tích lịch sử, 23 di tích khảo cổ… Trong số đó có 9 di tích được xếp hạng cấp tỉnh: Di tích lịch sử cách mạng Cây đa thôn Phổng, xã Vân Nham; di tích lịch sử khu căn cứ khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh, dẫy núi Cai Kinh, xã Hòa Lạc; di tích khảo cổ hang Lý Lân, xã Minh Tiến và di tích tín ngưỡng, tôn giáo gồm đền Bắc Lệ, đền Đèo Kẻng, xã Tân Thành, đền Phố Vị, xã Hồ Sơn; đền Suối Ngang, xã Hòa Thắng; đền Quan giám sát, xã Hòa Lạc; chùa Làng Giàng, xã Yên Thịnh.
Tuy nhiên, một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di tích khảo cổ của huyện giờ đây đã xuống cấp theo thời gian, bị lấn chiếm vẫn chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ và đầu tư đúng mức. Đơn cử như các di tích lịch sử: cây đa thôn Phổng, xã Vân Nham; cây đa đình Nhất Lãng, xã Nhất Tiến…. Di tích khảo cổ Hang Dơi, xã Tân Lập; hang Minh Lễ 2, hang Lý Lân, xã Minh Tiến là nơi có nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử (Hóa thạch xương ống chân voi, xương tê giác, xương sọ nai) hiện công tác bảo vệ, quản lý của di tích này chưa được nhân dân, chính quyền địa phương quan tâm.
Để làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di tích, Phòng Văn hóa thông tin huyện Hữu Lũng luôn bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước như: Luật Di sản văn hóa, Pháp lệnh tôn giáo tín ngưỡng và các thông tư, nghị định về hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội; quản lý di tích lịch sử văn hóa để tổ chức triển khai thực hiện.
Đồng chí Phạm Hồng Sơn, Trường phòng Văn hóa thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Thực hiện các văn bản pháp quy của nhà nước về di sản văn hóa, Phòng văn hóa thông tin phối hợp với Ban quản lý di tích tỉnh tiến hành các đợt khảo sát, kiểm kê di tích trên địa bàn huyện, lập hồ sơ lưu trữ làm cơ sở cho việc đề nghị xếp hạng di tích, tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích có giá trị, tổ chức giám định các di vật, cổ vật trong các di tích để có kế hoạch bảo vệ và quản lý. Hằng năm, Phòng Văn hóa thông tin thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng của huyện, Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin & Truyền thông tiến hành kiểm tra nhắc nhở ban quản lý và cấp ủy, chính quyền các địa bàn có di tích tích cực tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di tích, trong đó tập trung vào các di tích tôn giáo.
Để công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa có hiệu quả, huyện Hữu Lũng cũng đã đề ra các giải pháp chỉ đạo; trong đó tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo di tích; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa lịch sử. Huyện cũng sớm nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể về văn hóa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Tích cực tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là Luật Di sản văn hóa; phát hiện ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm mọi trường hợp hành nghề mê tín, lấn chiếm di tích.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, ý thức bảo vệ các di tích của nhân dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã có những chuyển biến tích cực. Cảnh quan môi trường khu di tích được bảo vệ, cảnh ăn mày cửa phật, hiện tượng buôn thần bán thánh, lên đồng, xóc thẻ, đốt đồ mã đã giảm đáng kể. Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các di tích được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm hơn. Nhiều lễ hội có giá trị văn hóa gắn với di tích đình làng được khôi phục, các lễ hội như: lễ hội Trò ngô, lễ hội đền Bắc Lệ… đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Trong thời gian tới, cùng với tiếp tục chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn di tích, duy trì quản lý tốt các hoạt động và lễ hội tại các di tích, huyện Hữu Lũng tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ, sửa chữa nâng cấp các di tích bị xuống cấp, các trang thiết bị cho hoạt động văn hóa, thể thao trong các dịp lễ hội.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()