Quản lý hành lang an toàn giao thông quốc lộ 1A: Cần sự vào cuộc các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương
LSO- Trong thời gian qua, việc quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa được quan tâm đúng mức, khiến tình trạng vi phạm đất đường bộ, hành lang an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng. Phổ biến nhất là hiện tượng san lấp đất nông nghiệp, xây dựng công trình mái che, mái vẩy, tường rào… trên đất đường bộ, hành lang an toàn giao thông.
Tuyến quốc lộ 1A thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn có chiều dài 94 km chạy qua 21 xã, thị trấn của 4 huyện, thành phố. Tuyến đường được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác từ năm 2000, đến năm 2015 tuyến đường nằm trong hợp phần tăng cường mặt đường thuộc dự án đường cao tốc đoạn Bắc Giang – Chi Lăng. Trách nhiệm quản lý kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn giao thông trên tuyến thuộc cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải và có sự phối hợp với chính quyền các xã, huyện có tuyến đường chạy qua.
Cụ thể là, Cục Quản lý đường bộ mà trực tiếp là Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236, thời điểm trước năm 2015 chịu trách nhiệm chính về quản lý tuyến đường. Tuy nhiên, đơn vị này cũng chỉ tập trung vào quản lý sửa chữa, duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Đối với việc quản lý đất đường bộ và hành lang an toàn giao thông trên toàn tuyến trong thời gian dài hầu như bị bỏ ngỏ. Chính vì chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng có hàng trăm trường hợp vi phạm đất đường bộ và hành lang an toàn trên toàn tuyến.
Người dân xây tường xâm phạm vào đất đường bộ tại km 9 quốc lộ 1A địa bàn huyện Cao Lộc
Theo thống kê, từ năm 2017 đến giữa tháng 8/2018, toàn tuyến có trên 300 trường hợp là người dân, doanh nghiệp vi phạm đất đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ. Từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Quản lý đường bộ I.5 (Cục Quản lý đường bộ I) và các huyện đã lập biên bản vi phạm, tuyên truyền, vận động để người dân tự giác tháo dỡ 283 trường hợp (huyện Cao Lộc 87 trường hợp; thành phố Lạng Sơn 3 trường hợp; Chi Lăng 113 trường hợp, Hữu Lũng 80 trường hợp). Riêng Chi cục Quản lý đường bộ I.5 đã ra quyết định xử phạt 5 trường hợp với tổng tiền phạt 19 triệu đồng (trong đó có 3 trường hợp san lấp mặt bằng trái phép với tổng tiền phạt 15 triệu đồng).
Tại buổi quán triệt về phổ biến quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh do Sở Giao thông Vận tải tổ chức, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc thẳng thắn: Một số xã và một số đơn vị liên quan chưa thực hiện nghiêm túc, thiếu sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, trung ương trong việc nắm bắt thực trạng địa bàn cũng như chế độ thông tin báo cáo. Huyện sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm và chỉ đạo sát sao hơn các xã và phòng chuyên môn đối với công tác quản lý đất đường bộ, hành lang an toàn trên quốc lộ 1A. Về vấn đề xử lý vi phạm, bà Thu cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi phát hiện vi phạm và quy trình xử lý vi phạm lĩnh vực này như: trình tự, thẩm quyền và việc hoàn thiện, tiếp nhận hồ sơ, sự phối hợp giữa cơ quan lập biên bản hồ sơ vi phạm với chính quyền địa phương thực hiện bước tuyên truyền người dân tự tháo dỡ hoặc cưỡng chế giải tỏa.
Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý đất đường bộ, hành lang an toàn đường bộ trên tuyến quốc lộ 1A, ông Trần Văn Vương, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông, Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Từ năm 2018, sau khi Trung ương chuyển giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn từ Bộ Giao thông – Vận tải về UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở Giao thông – Vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định quy định về cơ chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy chế này áp dụng đối với cơ quan quản lý đường bộ (Sở Giao thông Vận tải, Cục Quản lý đường bộ I, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã và các sở, ban, ngành liên quan, trong việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đặc biệt quy chế quy định đề cao vai trò, trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, UBND các xã trong việc quản lý, xử lý vi phạm đối với các trường hợp lấn chiếm, vi phạm vào đất đường bộ và đất hành lang an toàn giao thông đường bộ thuộc địa bàn mình quản lý.
Ngoài ra, căn cứ vào các quy định hiện hành, Sở Giao thông – Vận tải Lạng Sơn đang phối hợp với Tổng cục Đường bộ, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn tổ chức rà soát, xác định phạm vi hành lang an toàn đường bộ trên toàn tuyến quốc lộ 1A để có biện pháp tổ chức quản lý hiệu quả.
TRANG NINH
Ý kiến ()