Quản lý hành lang an toàn đường bộ: Tăng tuyên truyền, giảm vi phạm
(LSO) – Để góp phần làm tốt công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB), từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, tự giác chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý hành lang đường bộ trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, Sở Giao thông – Vận tải, UBND các huyện và các đơn vị liên quan đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, nhận thức của người dân được nâng lên, việc quản lý và sử dụng đất trong HLATĐB có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Lương Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng cho biết: Trước năm 2017, hiện tượng người dân lắp dựng mái che, mái vẩy tận dụng mặt bằng trước nhà trên đường tỉnh 234 (quốc lộ 1 A cũ) và quốc lộ 1A để kinh doanh rất phổ biến, cao điểm lên tới trên 30 trường hợp vi phạm, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự HLATĐB. Để giải quyết tình trạng này, giữa năm 2017, UBND xã Nhân Lý đã thành lập tổ tuyên truyền, vận động và sử dụng hệ thống loa phát thanh, phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân, đồng thời kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm, nhắc nhở, yêu cầu các hộ tự giác tháo dỡ. Đến nay, xã đã tổ chức được 20 buổi tuyên truyền lưu động bằng loa phát thanh, phát trên 200 tờ rơi về thực hiện nghiêm các quy định về trật tự HLATĐB. Thông qua tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức của người dân, hiện tượng cơi nới mái che, mái vẩy để kinh doanh đã cơ bản chấm dứt.
Tại huyện Bắc Sơn, trước năm 2017, tình trạng người dân tận dụng mặt bằng đất đường bộ và đất hành lang tuyến quốc lộ 1B, đường tỉnh 243 để cơi nới, lắp dựng mái che, mái vẩy để bán hàng khá phức tạp. Số liệu thống kê của huyện Bắc Sơn cho thấy, trên các tuyến có tới gần 3.000 trường hợp vi phạm đất đường bộ và hành lang đường bộ để kinh doanh.
Cán bộ Thanh tra Giao thông, Sở Giao thông – Vận tải tuyên truyền cho các hộ dân sinh sống ven tuyến quốc lộ, đường tỉnh chấp hành nghiêm quy định về quản lý hành lang an toàn đường bộ
Để từng bước xử lý tình trạng này, UBND huyện Bắc Sơn đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác quản lý và xử lý vi phạm hành lang đường bộ trên địa bàn đến năm 2020. Theo đó, huyện tập trung rà soát các trường hợp vi phạm gắn với tuyên truyền các quy định của nhà nước về quản lý HLATĐB để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, từ đó tự giác chấp hành. Sau hơn 3 năm thực hiện, huyện Bắc Sơn đã tổ chức được hơn 1.500 lượt tuyên truyền bằng hình thức lưu động, các buổi họp thôn, phát thanh, truyền hình, thu hút gần 14 nghìn lượt người nghe.
Nhờ đó, số trường hợp tự giác tháo dỡ công trình mái che, mái vẩy, xây dựng công trình tạm trên đất hành lang đường bộ đã giảm hẳn. Nếu như trước năm 2017, toàn huyện có gần 3.000 trường hợp vi phạm thì bước sang năm 2017 số trường hợp vi phạm còn 2.770 trường hợp, đến hết 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, số trường hợp vi phạm giảm sâu chỉ còn 102 trường hợp.
Không chỉ huyện Bắc Sơn, một số huyện là điểm nóng về vi phạm hành lang đường bộ như: Lộc Bình, Đình Lập, Bình Gia, Văn Quan… cũng giảm đáng kể tình trạng vi phạm HLATĐB. Theo thống kê của Sở Giao thông – Vận tải, năm 2017, thông qua hoạt động tuần kiểm, tuần đường, các lực lượng từ tỉnh tới huyện phát hiện 9.039 trường hợp vi phạm hành lang đường bộ. Đến hết năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, số trường hợp vi phạm hành lang đường bộ giảm xuống, còn 4.426 trường hợp.
Để có được kết quả này, từ năm 2017 đến tháng 6/2020, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền lưu động được 1.500 lượt trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh; xây dựng và biên tập phát thanh được 1.947 tin, bài; lực lượng Thanh tra Giao thông, Sở Giao thông – Vận tải phát 28.432 tờ rơi kết hợp tuyên truyền miệng tới các hộ gia đình và phát 300 pa nô, áp phích cho UBND các xã để tuyên truyền về quản lý tình trạng vi phạm HLATĐB trên địa bàn tỉnh.
Ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông -Vận tải cho biết: Công tác quản lý hành lang đường bộ luôn phức tạp bởi tâm lý người dân luôn muốn tận dụng điều kiện mặt đường để cơi nới kinh doanh. Chính vì vậy, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở vào cuộc thực hiện công tác này. Trong đó, giải pháp tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc chấp hành quy định về quản lý, bảo vệ tình trạng vi phạm HLATĐB được ưu tiên hàng đầu. Nhờ đó, tình trạng vi phạm hành lang đường bộ trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh từ năm 2017 đến nay đã giảm rõ rệt, hệ thống kết cấu hạ tầng được khai thác hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, số vụ tai nạn giao thông được kéo giảm, trật tự an toàn giao thông được bảo đảm.
TRANG NINH
Ý kiến ()