Quản lý giết mổ gia súc gia cầm ở Hà Nội: Bài toán chưa có lời giải
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Nội, Thành phố hiện còn 2.490 điểm giết mổ nhỏ lẻ, hộ giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) không nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan thú y, với số lượng khoảng 396 tấn/ngày.
Các hộ tự phát này đã tồn tại nhiều năm nay trong đó có những chủ hộ lớn giết mổ từ 40 đến 70 con lợn/đêm, cung cấp cho Thành phố, vùng phụ cận nhưng không tuân thủ các điều kiện theo quy định như: Không có khu giết mổ riêng biệt, nhốt động vật sống ngay trong khu nhà ở, không có khu xử lý thịt, phụ phẩm, sử dụng nước giếng khoan mất vệ sinh. Các lò mổ chui trên địa bàn Thành phố thường giết mổ hai ca, ca đầu từ 2 giờ đến 4 giờ sáng, ca ngày từ 13 giờ đến 15 giờ, thịt, tiết, nội tạng để la liệt trên sàn bê-tông, gạch ẩm thấp, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Gần đây, cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội tiến hành kiểm tra hai cơ sở giết mổ ở xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, phóng viên đã chứng kiến cảnh giết mổ lợn ngay tại sàn nhà, dưới nền xi-măng ngổn ngang thịt lợn, nội tạng; phân, nước thải xả thẳng ra cống khu dân cư.
Còn ở nhiều “chợ cóc” của Hà Nội, tại quầy bán thịt gia cầm, trên mặt phản là gà, vịt, ngan đã giết sẵn nhưng không hề thấy dấu kiếm dịch của các cơ quan chức năng. Dưới phản là một lồng gà, vịt, ngan sống. Khi khách mua chọn gà xong, người bán nhanh chóng đun nước, cắt tiết, vặt lông, rồi mổ ngay tại chỗ với một ít nước bơm sẵn ra xô, nước thải đổ ngay ra cống trước cửa quầy hàng, máu me vương vãi dưới sàn.
Theo lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội, do lực lượng cán bộ thú y xã còn “mỏng”, các chủ hộ giết mổ tự phát lại thường hoạt động vào ban đêm, ngay tại nhà nên khó tiếp cận. Nếu các cấp chính quyền không quyết liệt xử lý thì lực lượng thú y rất khó kiểm soát. Và đây là bài toán mà các ngành, cơ quan chức năng vẫn lúng túng, chưa tìm ra lời giải.
Trong khi các lò mổ tự phát vẫn tiếp tục ngang nhiên hoạt động thì trong sáu cơ sở giết mổ công nghiệp của Thành phố, có ba cơ sở đã ngừng hoạt động hoặc chưa hoạt động dây chuyền giết mổ. Ba cơ sở đang hoạt động gồm Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín), Công ty CP Việt Nam (Chương Mỹ), Công ty CP Đông Thành (Đông Anh). Tuy nhiên công suất thực tế của các cơ sở này khá thấp, sản lượng giết mổ đạt khoảng 8,75 tấn thịt gia súc, 50 tấn thịt gia cầm/ngày.
Về cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp có 14 cơ sở, sản lượng đạt khoảng 152,5 tấn thịt gia súc/ngày, 11,6 tấn thịt gia cầm/ngày. Cơ sở giết mổ tập trung thủ công có năm khu, hoạt động với số lượng giết mổ cung ứng hằng ngày khoảng 93 tấn thịt gia súc, sáu tấn thịt gia cầm. Trên thực tế, 20 cơ sở giết mổ này mới đáp ứng khoảng 44% sản phẩm giết mổ trên địa bàn có kiểm soát. Số điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, không bảo đảm vệ sinh ATTP và không được kiểm soát chiếm tỷ lệ 56%.
Mặc dù Thành phố đã có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, có hỗ trợ sau đầu tư theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, ngày 6-7-2012, nhưng do chính sách còn bất cập, cho nên chỉ sau một thời gian hoạt động một số công ty gặp rất nhiều khó khăn.
Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Foodex Lê Đình Phượng cho biết, đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây nhà máy giết mổ GSGC từ năm 2008. Tuy nhiên, từ đó đến nay nhà máy không cạnh tranh nổi với các lò mổ tự phát nên dây chuyền công nghiệp gần như “đắp chiếu” để đấy. Rõ ràng sự tồn tại của các lò mổ chui đã tạo áp lực cho các nhà máy, tiếp tay cho thực phẩm không an toàn, gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Để hạn chế và tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ, theo Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thời gian tới Hà Nội sẽ tăng số cơ sở và nâng công suất giết mổ lên sáu cơ sở giết mổ công nghiệp đạt 205 tấn thịt gia súc/ngày, 180 tấn thịt gia cầm/ngày. Phát triển thêm 6 – 8 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, tập trung, số lượng giết mổ 205 tấn/ngày tại khu giết mổ Bình Minh (huyệnThanh Oai), Quang Lãng, Tri Thủy (Phú Xuyên).
Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp cùng các huyện, thị xã tập trung xử lý dứt điểm cơ sở giết mổ thủ công và có cơ sở thay thế phù hợp. Đồng thời, tăng cường nâng công suất, cải tiến kỹ thuật của các cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp để từ đó thu hẹp các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Mặt khác, các quận, huyện, cần tổ chức kiểm tra, rà soát, thông báo yêu cầu chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ tại các khu vực chung quanh các nhà máy giết mổ tập trung công nghiệp, bán công nghiệp đã được đầu tư. Thực hiện nghiêm việc cấm giết mổ động vật trong khu vực nội thành, nội thị và những nơi tập trung đông dân cư. Ðồng thời, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về việc ngăn ngừa dịch bệnh động vật thông qua hoạt động giết mổ GSGC tập trung, góp phần bảo đảm an toàn trong tiêu dùng thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()