Quản lý, giám sát chặt nhà thầu giao thông
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua, một số đơn vị ngành giao thông được giao thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nhất là dự án đường bộ cao tốc còn để xảy ra hạn chế, thiếu sót trong quá trình giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu, hệ thống định mức, tiến độ, chất lượng, công tác quản lý dự án và tại một số dự án có dấu hiệu “chuyển nhượng thầu” trái quy định.
Ảnh minh họa: Quang Hưng |
Công tác quản lý của chủ đầu tư, giám sát thi công của tư vấn giám sát ở một số dự án không bảo đảm quy trình, không bố trí đủ số lượng, năng lực nhân sự hạn chế,… dẫn đến nhà thầu sử dụng nguồn vật liệu không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng chất lượng công trình.
Ðặc biệt, tại dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020, vẫn xảy ra tình trạng một số nhà thầu có dấu hiệu “chuyển nhượng thầu” trái phép, nhưng tư vấn giám sát và chủ đầu tư không biết, hoặc biết nhưng làm ngơ.
Một số nhà đầu tư, nhà thầu khi dự thầu đưa ra hồ sơ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhưng do tham gia nhiều dự án cùng lúc, khi thi công phải dàn trải nhiều dự án, đã không bảo đảm năng lực thi công, phải thuê thầu phụ hoặc bổ sung nhà thầu khác thực hiện, dẫn đến chậm tiến độ, gây nguy cơ ảnh hưởng chất lượng công trình,…
Ðể siết chặt kỷ cương, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa các dấu hiệu vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án nâng cao năng lực điều hành, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng; tuân thủ nghiêm các quy định trong tổ chức lựa chọn nhà thầu; việc lập, thương thảo và ký hợp đồng, phải bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ và rõ ràng các điều khoản, nhất là nội dung điều chỉnh giá. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chuyển nhượng thầu” trái pháp luật; rà soát, xử lý kịp thời nếu phát hiện tình trạng này.
Bộ cũng giao cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ làm việc với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, làm rõ các căn cứ, quy định liên quan hành vi chuyển nhượng thầu trái quy định (nếu cần) làm cơ sở kiểm tra, giám sát; đồng thời, tổng hợp đề xuất của các chủ đầu tư về danh mục định mức cần xây dựng mới, thỏa thuận với Bộ Xây dựng điều chỉnh định mức để áp dụng bảo đảm tính hiệu quả, kinh tế, phù hợp điều kiện thực tế của các dự án đường cao tốc; rà soát, khắc phục những bất cập trong chỉ dẫn kỹ thuật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các dự án đường cao tốc ở cả hai giai đoạn.
Cần tăng cường kiểm tra, tham mưu Bộ xử lý hoặc chỉ đạo xử lý nghiêm đối với nhà thầu vi phạm nội dung hợp đồng đã ký theo đúng quy định pháp luật; kiểm tra giám sát việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu của các chủ đầu tư để lựa chọn nhà thầu có năng lực phù hợp yêu cầu công trình, dự án, giảm tới mức thấp nhất việc điều chỉnh, bổ sung, phát sinh trong quá trình thực hiện.
Ðể các dự án đạt tiêu chuẩn về tiến độ, chất lượng, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng của địa phương trong bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục cấp phép, gia hạn giấy phép, nâng công suất khai thác mỏ vật liệu đúng quy định của pháp luật, rà soát các phương án tận dụng vật liệu trong quá trình thi công.
Quá trình quản lý, giám sát, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhà thầu sử dụng vật liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng đưa vào thi công tại các dự án, công trình.
Công tác điều hành phải quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa các bộ phận, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; quản lý, giám sát nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án, tuyệt đối không lặp lại những hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra qua việc thanh tra, kiểm toán,…
https://nhandan.vn/quan-ly-giam-sat-chat-nha-thau-giao-thong-post739121.html
Ý kiến ()