Khoảng hai năm gần đây, giá sữa tại thị trường trong nước, nhất là sữa bột đóng hộp nhập khẩu cao cấp, nhiều lần được điều chỉnh tăng. Lý do tăng giá các hãng sữa nêu ra đều thiếu sức thuyết phục do mức bán lẻ tăng cao hơn nhiều mức tăng chi phí đầu vào. Người tiêu dùng (NTD), nhất là các bà mẹ nuôi con nhỏ rất bức xúc. Cơ quan quản lý nhà nước cũng sớm nhận thấy tình hình không bình thường, đang theo dõi sát sao và có nhiều động thái quản lý, đưa giá sữa về mức hợp lý nhưng vẫn chậm trễ và kết quả chưa thấy rõ, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Lỗ hổng pháp lý
Dễ nhận thấy là sự biến động tăng giá sữa thời gian qua không tuân theo cơ chế thị trường lành mạnh mà có dấu hiệu các hãng sữa đang triệt để khai thác những kẽ hở trong quy định hiện hành để trục lợi. Điển hình là Pháp lệnh Giá và Nghị định 75/NĐ-CP quy định tất cả các mặt hàng bình ổn giá (trong đó có sữa) phải đăng ký giá bán với cơ quan quản lý. Nhưng Thông tư 104/TT-BTC lại thu hẹp đối tượng đăng ký giá phải có hơn 50% vốn sở hữu nhà nước và khoảng cách tăng giá gần nhất giữa hai lần ít nhất 15 ngày, mỗi lần tăng giá nhiều nhất không quá 20%. Hiện trên thị trường không có doanh nghiệp (DN) sữa nào có hơn 50% vốn sở hữu nhà nước (kể cả Vinamilk sau khi cổ phần hóa) và chỉ cần lách biên độ tăng giá 20% trong thời hạn 15 ngày là mọi DN đều không phải đăng ký giá.
Một bất hợp lý nữa thuộc về cơ chế quản lý nhà nhập khẩu, văn phòng đại diện. Hiện nay, có nhãn hiệu sữa lớn của nước ngoài thành lập công ty nhập khẩu tại Việt Nam. Các công ty này chịu chi phí tiếp thị, quảng cáo cho sản phẩm và bị khống chế mức tối đa 10% (theo Thông tư 134/TT-BTC). Nếu vượt, mức chi phí không được loại trừ mà phải được tính vào thuế thu nhập DN. Nhưng có hãng sữa chỉ thành lập văn phòng đại diện và thông qua đây để đưa sản phẩm ra thị trường. Các chi phí quảng cáo tiếp thị được chuyển thẳng từ nước ngoài đến các công ty nhận quảng cáo, tiếp thị nên không bị khống chế mức 10%. Trường hợp thứ nhất, khi bị phát hiện, công ty nhập khẩu tại Việt Nam sẵn sàng đóng phần thuế phụ trội vì sẽ tính vào giá bán cho NTD. Trường hợp thứ hai, Nhà nước khó xác định được đúng giá gốc sản phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam vì đã được cộng thêm chi phí quảng cáo, tiếp thị từ nước ngoài. Trong cả hai trường hợp này, NTD đều phải chịu mức chi phí quảng cáo quá cao, do các hãng sữa lớn chạy đua chi tiền quảng cáo, tiếp thị.
Một nghịch lý nữa là theo Nghị định 21/NĐ-CP, sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và thức ăn cho trẻ dưới sáu tháng tuổi bị cấm quảng cáo dưới mọi hình thức. Thế nhưng tại các hội nghị, hội thảo khoa học người ta đã tranh thủ tìm mọi cách giới thiệu sản phẩm thông qua những tờ gấp, tờ rơi xuất hiện ồ ạt, kèm theo thuyết trình hấp dẫn, ồn ào của nhiều chuyên gia, bác sĩ theo dạng “tương đương sữa mẹ”, “tốt hơn sữa mẹ”… những thông tin này không thể kiểm chứng được. Rõ ràng các hoạt động “quảng bá” kiểu này, đều có bóng dáng các hãng sữa lớn tài trợ.
Bình ổn giá sữa cần giải pháp đồng bộ
Dự thảo sửa đổi Thông tư 104/TT-BTC đang được khẩn trương soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi của các DN, các cấp, các ngành nhằm tạo đồng thuận và có tính khả thi cao. Quá trình dự thảo chưa nhanh chóng như mong muốn do cần cân nhắc kỹ một số yếu tố kỹ thuật và đặc biệt cần có thời gian để giải thích, thuyết phục một số đối tác nước ngoài, nhất là các nhà sản xuất sữa bột đóng hộp cao cấp đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam. Dự thảo nêu rõ, trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về giá với các tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam khác với quy định tại thông tư (sửa đổi) này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Thông tư sửa đổi theo hướng mọi DN thuộc mọi thành phần kinh tế khi sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá đều phải đăng ký, kê khai giá bán với cơ quan quản lý giá. Các tính toán giá thành hàng hóa dịch vụ phải thực hiện theo Quy chế tính giá do Bộ Tài chính quy định. Nếu vi phạm có thể đình chỉ thực hiện mức giá không hợp lý, thu hồi phần lợi nhuận do chênh lệch giá, thậm chí rút giấy phép kinh doanh, v.v và v.v. Riêng mặt hàng sữa thực hiện đăng ký giá với sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; khi cần, tiến hành hậu kiểm các yếu tố cấu thành giá từ khâu nhập khẩu đến bán buôn, bán lẻ…
Để bình ổn giá sữa, bảo vệ NTD, để NTD được hưởng mức giá ngang bằng các nước có điều kiện thương mại tương đồng, nhất là các loại sữa đặc chủng, việc sửa đổi Thông tư 104/TT-BTC, các bộ, ngành liên quan cần vào cuộc. Thí dụ, với công tác quản lý quảng cáo, nhất là với các loại sữa có bổ sung vi chất, vi lượng… Thực tế không ít đơn vị quảng cáo một cách lập lờ hoặc quá mức so với chất lượng đã công bố. Trong khi đó NTD chọn mua sản phẩm nhiều khi chỉ dựa vào thông tin quảng cáo. Hiện tượng quảng cáo sai sự thật, đặc biệt với sữa cho trẻ em khá phổ biến nhưng chưa bị phát hiện ngăn chặn kịp thời. Đây phải là công việc của ngành y tế. Để quản lý tốt chi phí quảng cáo thương mại, góp phần hạn chế việc tăng chi phí kinh doanh, gây “đội” giá sữa, cần có quy định đối với các hãng sữa khi nhập khẩu vào nước ta phải thông qua một hoặc một số lượng hạn chế DN làm đầu mối nhập khẩu sản phẩm, đầu mối quản lý chi phí quảng cáo, tiếp thị. Từng bước tổ chức lại các đầu mối nhập khẩu, xây dựng mạng lưới phân phối hợp lý để tránh độc quyền.
Do yếu tố cung cầu và năng lực sản xuất sữa bột trong nước còn hạn chế, thị trường sữa nước ta hiện nay cần có thời gian để lập lại trật tự. Trước mắt cùng với những nỗ lực của các cơ quan quản lý, NTD cũng cần có sự liên kết để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Khi lựa chọn mua sản phẩm cần nghiên cứu để có sự so sánh về giá và chất lượng giữa sữa sản xuất trong nước và sữa ngoại để có sự lựa chọn thích hợp, loại bỏ tâm lý sính ngoại. Khi phát hiện những hãng sữa nước ngoài tăng giá quá đáng có thể áp dụng biện pháp tẩy chay để bảo vệ lợi ích.
Hiện nay nước ta đang nhập khẩu gần như toàn bộ sữa bột. Riêng bốn hãng sữa lớn danh tiếng của nước ngoài là Abbott, Dutch Lady, Nestle và Mead Johnson – theo một nguồn tin không chính thức – đã chiếm một thị phần sữa bột đủ lớn hoàn toàn có thể lạm dụng vị thế độc quyền, dẫn dắt thị trường và quyết định giá bán. Các hãng sữa lớn này lại chỉ định nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối độc quyền trong nước nên dư luận có quyền nghi ngờ họ có biểu hiện gửi giá, chuyển giá, vi phạm Luật cạnh tranh.
Theo Giám đốc đối ngoại của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) Bùi Thị Hương thì đến nay, trong nước mới có bảy doanh nghiệp sản xuất sữa, trong đó có một doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, còn lại là doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Tại thị trường nội địa, có đến 90% sữa bột là nhập khẩu, các doanh nghiệp sữa trong nước mới chỉ chiếm thị phần nhỏ bé 10% đối với loại sản phẩm này. Chính vì vậy, các hãng sữa nước ngoài tại thị trường Việt Nam có thể tăng giá mà không lo mất thị phần.
Một vấn đề không kém quan trọng là tâm lý quá tin dùng sữa ngoại, nhất là dòng sữa cao cấp trong một bộ phận không nhỏ gia đình có thu nhập khá. Do tác động liên tục của quảng cáo, thiếu thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, họ luôn tâm niệm sữa đắt là sữa tốt, do vậy chịu tốn kém tiền bạc không thật cần thiết và vô tình tạo điều kiện cho sữa ngoại tiêu thụ với giá cao hơn giá trị thật.
Nâng cao sức cạnh tranh của các DN sản xuất sữa trong nước nhằm chiếm lĩnh thị trường là một trong những giải pháp quan trọng nhất để hạn chế việc tăng giá bất hợp lý của các hãng sữa nước ngoài. Chỉ khi các DN sữa trong nước lớn mạnh đủ sức đảm đương vai trò dẫn dắt thị trường thì mới có thể tạo nên đối trọng với các hãng sữa nước ngoài tại Việt Nam. Để nâng cao sức cạnh tranh, trước hết DN trong nước phải tăng công suất để đáp ứng dư nhu cầu thị trường. Các DN cũng cần từng bước chủ động nguồn nguyên liệu bằng cách phát triển mạnh mẽ đàn bò, có chính sách đối với bà con chăn nuôi như ký hợp đồng thu mua sữa tươi ổn định; đầu tư các thiết bị bảo quản sữa tươi để bảo đảm chất lượng nguyên liệu; đầu tư thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm…
Bên cạnh đó, việc thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp, xuống tận khu vực nông thôn là cần thiết nhằm giúp NTD trong nước dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm sữa Việt Nam, giúp NTD trong nước hiểu rõ hơn về chất lượng sữa Việt Nam không thua kém sữa ngoại nhập.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
Nhằm hạn chế tình trạng tăng giá sữa của các nhà phân phối nước ngoài tại thị trường Việt Nam, Bộ Tài chính đang khẩn trương sửa đổi Thông tư 104 theo hướng quy định tất cả các DN thuộc các thành phần kinh tế kinh doanh sữa phải tuân thủ quy định của Pháp lệnh giá, chấp hành việc đăng ký giá. Cơ quan quản lý thực hiện tham vấn giá sữa nhập khẩu qua hệ thống thu thuế hải quan để xác định DN có gửi giá không. Từng bước tổ chức sắp xếp lại khâu phân phối từ nhập khẩu đến bán buôn, bán lẻ. Thực hiện việc kiểm tra ở các khâu bán buôn, bán lẻ theo đăng ký giá bán với mục tiêu kiểm soát khâu phân phối để điều tiết lãi hợp lý. |
NGUYỄN TIẾN THỎA
Cục trưởng Cục quản lý giá
(Bộ Tài chính)
Tương lai sữa nguyên liệu sản xuất trong nước (kể cả đến năm 2020 và 2025) cũng chỉ đủ dùng để chế biến sữa nước và sữa chua nên nguyên liệu sản xuất sữa bột vẫn phải nhập khẩu. Tuy khả năng cạnh tranh của sữa bột sản xuất trong nước còn hạn chế nhưng cần khuyến khích sản xuất để người dân, nhất là trẻ nhỏ có thể tiếp cận với sữa giá rẻ trong bữa ăn hằng ngày, góp phần nâng cao thể trạng và trí tuệ con người Việt Nam. |
PHAN CHÍ DŨNG
Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương
Theo báo cáo tài chính trong hai giai đoạn sáu tháng cuối năm 2008 và sáu tháng đầu năm 2009 của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), chi phí bán hàng của công ty chiếm tỷ trọng lớn: giai đoạn đầu chiếm 77,5%, giai đoạn sau chiếm 66,4% trên tổng chi phí! Trong đó chi phí quảng cáo tương ứng là 53,46% và 36,22%. Nhóm chi phí thuộc mức khống chế (10%) theo quy định vượt lớn: năm 2008 vượt 19 lần, năm 2009 vượt 10 lần so với số khống chế (tương đương 30% và 15% trên doanh thu). Trong thời gian này, giá nhập khẩu sữa ổn định, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng mặt hàng sữa của Việt Nam ổn định. Nếu công ty tiết giảm các chi phí, nhất là chi phí quảng cáo, tiếp thị hợp lý, đồng thời cùng với nhà phân phối quản lý giá bán sữa đến NTD, sẽ là yếu tố, thuận lợi để giảm giá bán các sản phẩm sữa nhập khẩu. |
(Nguồn: Kết luận thanh tra Bộ Tài chính ngày 27-11-2009)
Ý kiến ()