Quản lý, duy tu, bảo dưỡng cầu treo dân sinh: Cần nêu cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở
– Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 công trình cầu treo dân sinh tại các xã vùng sâu đặc biệt khó khăn gồm: 8 cầu treo được xây dựng theo đề án 186 cầu treo dân sinh của Bộ Giao thông Vận tải; 3 cầu treo được xây dựng bằng các nguồn vốn của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, sử dụng, công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình cầu treo còn nhiều hạn chế.
Huyện Tràng Định có 2 công trình cầu treo dân sinh được xây dựng theo đề án 186 cầu treo dân sinh của Bộ Giao thông Vận tải. Cụ thể gồm: cầu treo Nà Chát, xã Chi Lăng hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác năm 2015; cầu Thà Tò, xã Hùng Sơn đưa vào khai thác năm 2016. Trong đó, cầu Thà Tò có chiều dài 120 m, rộng 2 m; cầu Nà Chát dài 80 m, rộng 1,5 m.
Người dân tham gia giao thông trên cầu treo Vằng Mần, xã Vĩnh Yên, huyện Bình Gia
Qua kiểm tra của Sở Giao thông Vận tải cho thấy, mặc dù hệ số an toàn vẫn đảm bảo nhưng hai công trình cầu treo này đã phát sinh những hư hỏng chưa được duy, tu sửa chữa kịp thời. Cụ thể, tại cầu Nà Chát, hệ thống cáp giằng ngang đã bị rỉ sét; thiếu một số bu lông, đai ốc, tứ nón trụ tháp mố M2 bị nứt vỡ nhỏ. Tại cầu Thà Tò, một số bu lông, đai ốc bản mặt cầu bị mất, một số ốc đã bị rỉ sét.
Tại huyện Bình Gia có 4 công trình cầu treo, trong đó có 2 cầu treo được xây dựng theo đề án 186 cầu treo dân sinh của Bộ Giao thông Vận tải gồm: cầu treo Nà Kéo, xã Quý Hòa và cầu treo Khuổi Hắp, xã Thiện Thuận. Hai cầu còn lại gồm: cầu treo Tà Chu, xã Hòa Bình và cầu treo Vằng Mần, xã Vĩnh Yên được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách địa phương.
Báo cáo về công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng cầu treo của UBND huyện Bình Gia cho thấy, công tác quản lý, duy tu cầu treo trên địa bàn còn nhiều bất cập, một số cầu treo xuất hiện hiện tượng thiếu hụt ốc vít; cầu treo Nà Kéo, xã Quý Hòa, hệ thống cáp néo có biểu hiện trùng nên cầu bị lắc.
Ông Hoàng Văn Viên, Chủ tịch UBND xã Quý Hòa thừa nhận: Công trình cầu treo Nà Kéo đã được UBND huyện giao cho xã quản lý từ năm 2018 nhưng thực chất công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng như thế nào thì xã chưa làm được. Vừa qua, theo phản ánh của người dân, hệ thống cáp néo bị trùng ảnh hưởng đến thăng bằng của cầu nhưng xã không đủ năng lực, phương tiện thiết bị để chỉnh sửa.
Qua thực tế theo dõi việc quản lý, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình cầu treo hầu như bị bỏ ngỏ và chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức cũng như chậm báo cáo về hiện trạng cầu đến cấp trên để có biện pháp xử lý. Theo báo cáo của UBND 5 huyện đang quản lý công trình cầu treo gồm: Đình Lập, Hữu Lũng, Văn Quan, Bình Gia và Tràng Định, sở dĩ các thiết bị cấu kiện của cầu treo như: bu lông, đai ốc bị lỏng lẻo, chưa được xử lý kịp thời dẫn đến mất đai ốc, mất bu lông, các mố neo cỏ mọc um tùm không được phát quang kịp thời là do chính quyền cơ sở được giao quản lý chưa quan tâm duy tu, bảo dưỡng, từ những việc đơn giản như: bôi mỡ trống rỉ sét tại các trụ cáp, mố neo, gối tháp…
Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Hằng năm, sở đều ban hành văn bản đề nghị các huyện chỉ đạo các xã tăng cường quản lý, duy tu, bảo dưỡng cầu treo. Bên cạnh đó, hằng năm, sở đều tổ chức kiểm tra thực tế hiện trạng các công trình cầu treo, riêng năm 2021, sở đã hoàn thành công tác kiểm tra vào tuần đầu tháng 3/2021. Qua kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy, việc bảo dưỡng cầu treo tại cơ sở còn nhiều hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, sở đã ban hành văn bản đề nghị các huyện thường xuyên kiểm tra, rà soát chất lượng các công trình cầu treo nhằm phát hiện sớm những hư hỏng, biến dạng của cầu để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, để quản lý tốt các công trình cầu treo, sở đang tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các công trình hằng năm. Cùng với đó, sở cũng hướng dẫn các huyện có cầu treo lựa chọn đơn vị độc lập có đủ năng lực tham gia duy tu, bảo dưỡng công trình cầu treo trên địa bàn.
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư các công trình cầu cứng bằng bê tông xi măng cốt thép thay thế các cầu treo của tỉnh còn nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh quản lý duy tu, bảo dưỡng các công trình cầu treo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khu vực nông thôn bảo đảm an toàn là rất quan trọng. Chính vì vậy, UBND các huyện, xã có công trình cầu treo cần chủ động hơn nữa trong công tác quản lý, duy tu để các công trình được khai thác một cách an toàn, hiệu quả và lâu dài.
Ý kiến ()