Những yếu tố tác động đến mặt bằng giá
Theo nhiều dự báo, năm 2011, kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng tốc độ tăng chậm hơn tốc độ tăng của năm 2010. Các nền kinh tế lớn và là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tăng trưởng nhưng thấp hơn năm trước. Kinh tế tăng trưởng làm nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất vẫn tăng dẫn đến giá cả sẽ nhích lên. Cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng ơ-rô khiến hầu hết các nước đều cắt giảm chi tiêu công và giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2011… có thể gây biến động về tỷ giá, lãi suất làm cho tính bất định và rủi ro tăng lên, tác động mạnh đến xuất nhập khẩu, đầu tư, chính sách tài khóa và tiền tệ của các quốc gia sẽ tác động đến kinh tế nước ta. Thương mại toàn cầu tiếp tục tăng trưởng nhưng vẫn thấp so mức tăng của năm 2010. Vì vậy, giá cả thị trường xu hướng vẫn tăng, tuy tốc độ tăng có thấp hơn tốc độ tăng của năm trước. Thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu đến kinh tế thế giới, nhất là sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Ở trong nước, nền kinh tế phục hồi khá nhanh và lấy lại đà tăng trưởng sau ảnh hưởng của khủng hoảng (mục tiêu: tổng sản phẩm trong nước tăng từ 7 đến 7,5% so năm 2010) kéo theo nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ tăng trưởng sẽ gây áp lực đẩy giá tăng. Những yếu kém vốn có của nền kinh tế chưa khắc phục được triệt để ngay như: cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sử dụng vốn, kết cấu hạ tầng, lượng tiền được 'bơm' ra lưu thông nhiều hơn trong dịp Tết Nguyên đán, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa dịch vụ Nhà nước còn định giá… tiềm ẩn những yếu tố gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Một số giải pháp
Ngoài việc phải tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế vĩ mô như: đẩy mạnh phát triển sản xuất, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, áp dụng tỷ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường. Cần tăng cường kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng ở mức hợp lý. Giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống mức 5,5% GDP, kiểm soát nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu… Triển khai thực hiện các giải pháp trực tiếp về quản lý, điều hành giá như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường, tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, thông qua việc xây dựng Luật Giá thay cho Pháp lệnh giá. Sửa đổi, bổ sung các nghị định của Chính phủ về thẩm định giá; xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá, cơ chế xác định giá trong các lĩnh vực cụ thể…
Thứ hai, chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước. Triển khai và thực hiện các biện pháp bình ổn giá (BOG) theo quy định của Pháp lệnh giá và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan. Chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đủ điều kiện dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu BOG, nhất là các thời điểm diễn ra lễ, Tết trong năm. Hỗ trợ xây dựng các cơ sở bảo quản, dự trữ nông sản để điều hòa cung cầu, BOG cả.
Thứ ba, chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường vào thời điểm thích hợp trong năm đối với giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá. Trước mắt trong dịp Tết Tân Mão và quý I năm 2011 giữ ổn định giá: điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, khí hóa lỏng, nước sạch… các dịch vụ công quan trọng như y tế, giáo dục. Sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, quỹ BOG để bình ổn giá xăng, dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; giãn thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá. Thực hiện lộ trình giá thị trường phải gắn kết chặt chẽ với hoàn thiện hệ thống cung ứng hàng hóa, dịch vụ; phấn đấu giảm chi phí sản xuất và giá thành, đi cùng với các chính sách, cơ chế trợ giúp hợp lý đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách (như từng bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp, chuyển dần hình thức bao cấp cho cơ sở y tế sang hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh qua bảo hiểm y tế; có chính sách hỗ trợ về giá điện sinh hoạt, giá nước sạch cho sinh hoạt đối với người nghèo, người có thu nhập thấp… bảo đảm để những đối tượng này được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu về học hành, khám, chữa bệnh, nhà ở, điện, nước, đi lại…).
Thứ tư, tăng cường quản lý giá thông qua các biện pháp kiểm soát các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá. Kiên quyết ngừng việc đăng ký giá có mức tăng giá không hợp lý. Kiểm soát đối với một số hàng hóa, dịch vụ độc quyền; ngăn chặn và kiên quyết xử lý hành vi liên kết và lạm dụng vị thế thị trường để tăng giá bất hợp lý, nhất là các nguyên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Rà soát, bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí bất hợp lý, trái pháp luật. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ các kênh chi tiêu từ ngân sách Nhà nước thanh toán cho các mức giá hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, hàng dự trữ Nhà nước, hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá… Chuyển mạnh hơn sang cơ chế đấu thầu, đấu giá, thỏa thuận giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ này.
Thứ năm, thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật Nhà nước về giá. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, cơ chế điều hành giá của Nhà nước.
Ý kiến ()