Quản lý dịch hại trên cây trồng: Đảm bảo an toàn, nâng hiệu quả sản xuất
– Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng. Qua đó, giúp người dân giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Với mục tiêu chuyển giao khoa học kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ớt nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV đối với sức khỏe con người, vụ xuân năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện Văn Quan đã triển khai thực hiện mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ớt chỉ thiên tại xã Tràng Phái với tổng diện tích 1,26 ha, 8 hộ tham gia.
Người dân xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng chăm sóc ớt
Bà Dương Ái Nhân, Phó Giám đốc TTDVNN huyện cho biết: Để thực hiện mô hình, trung tâm đã phối hợp UBND xã họp thông báo đến các hộ dân có khu đất trồng tập trung, hệ thống giao thông thuận lợi cho công tác kiểm tra, theo dõi chăm sóc để tham gia mô hình. Sau đó, trung tâm tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV, kỹ thuật trồng chăm sóc cây ớt chỉ thiên… Qua đó, để các hộ dân nắm quy trình quản lý dịch hại trên cây ớt chỉ thiên và những lợi ích, hiệu quả của mô hình đem lại.
Kết quả, sau hơn 6 tháng triển khai, cây ớt sinh trưởng phát triển tốt. Qua theo dõi, so sánh mô hình và ruộng đối chứng của trung tâm, mật độ, tỷ lệ sâu bệnh hại thấp hơn so với kỹ thuật canh tác thông thường của bà con, năng suất đạt khoảng 9 đến 10 tạ/sào. Giá trị kinh tế thu được trên 33 triệu đồng (tăng 4 triệu so với cùng diện tích đất canh tác theo phương pháp truyền thống).
Ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Thống Nhất, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan cho biết: Mô hình quản lý dịch hại tổng hợp chú trọng khâu làm đất, bón vôi và chế phẩm sinh học giúp tiêu diệt phần lớn các mầm bệnh. Nhờ đó, giảm được chi phí, công chăm sóc và giảm lượng thuốc BVTV mà chất lượng quả tốt.
Ngoài Văn Quan, từ năm 2020, TTDVNN các huyện khác như: Chi Lăng, Bình Gia, Văn Lãng cũng xây dựng mô hình quản lý dịch hại trên cây hồng, cây hồi, tích cực thực hiện quản lý, điều tra phát hiện dịch hại trên cây trồng bằng phương pháp đặt bẫy đèn tại khu vực sản xuất của người dân. Thông qua cách làm này, cán bộ TTDVNN thu thập và phát hiện các loại sâu bệnh hại trên cây trồng, từ đó, dự báo, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh hại, tránh được tình trạng diện tích sâu hại lan rộng, đảm bảo hiệu quả trong sản xuất.
Bên cạnh sự chủ động của các huyện, từ năm 2020 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã xây dựng 3 mô hình quản lý dịch hại trên cây hồng và cây hồi. Đơn cử, năm 2021, chi cục đã thực hiện mô hình quản lý dịch hại thán thư trên cây hồi tại huyện Bình Gia với tổng diện tích 5 ha, 5 hộ tham gia. Bà Nguyễn Thị Huế, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Thực hiện mô hình này, chi cục hỗ trợ trên 5 tấn phân bón, 700 gói thuốc trừ sâu bệnh hại… Đồng thời, cử cán bộ theo dõi, tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Qua đó, giúp người dân biết cách quản lý dịch hại, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, tỷ lệ bệnh thán thư gây hại trên cây hồi được khống chế, không lây lan ra các diện tích khác.
Cùng đó, hằng năm, chi cục đều tổ chức tuyên truyền, tập huấn tại các huyện để bà con nông dân tích cực ứng dụng mô hình này vào sản xuất. Từ năm 2020 đến nay, chi cục đã tổ chức tập huấn lồng ghép được khoảng 20 lớp tại các huyện, thành phố. Qua đó, tại các huyện Bình Gia, Văn Quan, Văn Lãng đã xây dựng và khuyến khích nông dân áp dụng được 4 mô hình quản lý dịch hại trên cây trồng như: ớt, lúa, hồi, hồng.
Theo tìm hiểu kết quả thực hiện mô hình quản lý dịch hại tại một số TTDVNN huyện đã đem lại hiệu quả: Giúp bà con nông dân có thêm kiến thức về quản lý dịch hại, bón phân cân đối, hạn chế lạm dụng thuốc BVTV, đảm bảo sản xuất ra nông sản an toàn, chất lượng cao, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, góp phần tăng năng suất cây trồng.
Có thể thấy, mô hình quản lý dịch hại trên cây trồng có vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thiết nghĩ, thời gian tới, các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình trên các loại cây trồng khác như hoa màu, cây ăn quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Ý kiến ()