Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa: Đảm bảo an toàn trong sản xuất
– Việc sử dụng các biện pháp hóa học trong thời gian dài gây ra những tác hại đáng kể cho môi trường sinh thái, sức khỏe con người, đồng thời gây ra tình trạng sâu bệnh nhờn thuốc, kháng thuốc, xuất hiện những loại sâu bệnh hại mới. Trước thực trạng đó, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa ở Văn Quan góp phần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Toàn huyện Văn Quan có khoảng 8.600 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là đất trồng lúa. Nông dân trên địa bàn sản xuất các giống lúa lâu đời như: bao thai, khang dân, DV108… Thời gian sinh trưởng của các giống lúa dài nên dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh như mưa, bão, khí hậu lạnh…, nhất là sâu bệnh. Để phòng trừ sâu bệnh, không ít nông dân sử dụng các biện pháp hóa học. Thực hiện mục tiêu ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh hại cho cây lúa, tháng 6/2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Văn Quan đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ “Kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa”.
Nông dân xã An Sơn, huyện Văn Quan thăm đồng
Bà Dương Ái Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Văn Quan cho biết: Mục tiêu của việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là tìm ra biện pháp có hiệu quả, có lợi về mặt kinh tế, hạn chế tác hại của sâu bệnh, làm cho cây trồng đạt năng suất cao và thực phẩm chất lượng tốt. Quản lý dịch hại tổng hợp không chỉ nhằm tiêu diệt nguồn sâu bệnh mà còn điều hòa, cân bằng hệ sinh thái. Triển khai mô hình này, chúng tôi tiến hành thí điểm tại 3 xã: Trấn Ninh, Bình Phúc, An Sơn với tổng diện tích 41,9 ha (35,9 ha giống lúa bao thai, 5 ha giống lúa Japonica (TBJ3), 1 ha giống lúa CXT30).
Triển khai mô hình, Trung tâm DVNN huyện hỗ trợ 100% giống, 50% vật tư. Cán bộ trung tâm đã hướng dẫn nông dân ngay khi thu hoạch vụ trước dọn sạch tàn dư cây trồng, đồng thời cày lật đất sớm để tiêu diệt các loại sâu non trong gốc rạ, làm mất nơi cư trú của mầm mống sâu bệnh, cắt đứt vòng tuần hoàn từ vụ này sang vụ khác của sâu bệnh. Quá trình cày lật đất kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học Emuniv và vôi bột, sau đó ngâm ủ từ 7 đến 10 ngày trước khi cấy. Phân bón cho cây chủ yếu là phân bò đã ủ hoai, kết hợp với phân vô cơ như: Đạm, Lân, Kali theo tỷ lệ nhất định. Thay vì sử dụng mạ già 30 đến 40 ngày tuổi thì mô hình IPM sử dụng mạ non (sau khi xuống giống 15 đến 20 ngày) đảm bảo khỏe mạnh… Anh Hà Văn Quang, thôn Cốc Phường, xã An Sơn cho biết: Mô hình IPM rất chú trọng khâu làm đất, bởi khi cày lật, phơi ải, bón vôi và chế phẩm sinh học giúp tiêu diệt phần lớn mầm bệnh và vi sinh vật gây hại trong đất. Nhờ đó giảm được chi phí và công chăm sóc, lại không phải sử dụng thuốc hóa học.
Cùng với đó, nông dân còn được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm, liều lượng, loại cần dùng để bên cạnh việc diệt trừ sâu bệnh thì còn bảo vệ các loài thiên địch (nhện, bọ cánh cứng, ong, muồm muỗm, kiến, dế…) nhằm duy trì hệ sinh thái đa dạng. Để phát huy hiệu quả mô hình này, cán bộ cũng yêu cầu mỗi nông dân thường xuyên thăm đồng, nắm rõ tình hình phát triển của cây trồng cũng như những nguy cơ để kịp thời can thiệp. Bên cạnh đó cũng cần đi sâu tìm hiểu, bổ sung kiến thức về trồng trọt để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân cũng như chia sẻ với những người xung quanh để triển khai trên diện rộng.
Áp dụng mô hình IPM của Trung tâm DVNN huyện Văn quan, kết quả là nhà nông giảm được 3 kg giống/sào, giảm đáng kể thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế phân bón hóa học, năng suất tăng khoảng 10% so với sản xuất theo tập quán địa phương (40 đến 42 tạ/ha đối với giống lúa bao thai, 60 đến 65 tạ/ha đối với các giống lúa khác).
Sau khi áp dụng thí điểm thành công tại các xã: Trấn Ninh, Bình Phúc, An Sơn, năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Văn Quan đã xây dựng quy trình và nhân rộng ra địa bàn toàn huyện và khuyến khích nông dân có thể áp dụng mô hình trên các loại cây trồng khác như hoa màu, cây ăn quả
Ý kiến ()