Quản lý dạy thêm, học thêm và những vấn đề đặt ra
LSO- So với các thành phố lớn, tình hình dạy thêm học thêm ở Lạng Sơn nói chung và thành phố Lạng Sơn nói riêng chưa thật “nóng”, song có nhiều diễn biến phức tạp và “biến thái” dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Lạng, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn cho biết: Phải nói rằng dạy thêm là một phần “không thể thiếu” để nâng cao chất lượng GD. Là trường được cấp phép dạy thêm và có giáo viên được cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường, nên việc quản lý dạy thêm được hội đồng giáo dục nhà trường đặc biệt quan tâm. Việc chia các lớp dạy thêm căn cứ vào nhu cầu thực và các đối tượng học sinh. Trên thực tế, nhờ hoạt động dạy thêm học thêm có kế hoạch và được tổ chức chu đáo nên tỷ lệ học sinh giỏi tăng, tỷ lệ học sinh yếu giảm; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường THPT, nhất là THPT chuyên Chu Văn An ngày càng cao. Nếu năm học 2010-2012, tỷ lệ học sinh giỏi là 30,1%, tỷ lệ học sinh yếu là 0,7%, thì đến năm học 2012-2013, tỷ lệ học sinh giỏi đã là 33,1% và tỷ lệ học sinh yếu chỉ còn 0,3%. Với mức thu tiền học thêm 30 ngàn đồng/học sinh/tháng (trừ các đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn), nhà trường chi 80% cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, 20% còn lại chi cho công tác quản lý, điện nước, lao công, bảo vệ. Nhà trường cũng có 15 giáo viên được cấp giấy phép dạy thêm song bước vào năm học, nhà trường vận động và cho các cô viết cam kết không dạy thêm ngoài nhà trường trong suốt năm học.
Các giáo viên tiểu học dự hội nghị tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học
Theo số liệu của Sở GD&ĐT, đến hết tháng 12-2013, Sở GD&ĐT đã cấp giấy phép dạy thêm cho 26 tập thể (18 tập thể trường THPT và 8 tập thể trường THCS) và 349 cá nhân (có 153 giáo viên THPT và 196 giáo viên THCS). Tuy vậy, số giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường lớn hơn rất nhiều so với số được cấp phép. Theo quy định, không được dạy thêm đối với học sinh 2 buổi/ngày, học sinh cấp tiểu học (trừ các trường hợp như bồi dưỡng nghệ thuật, TDTT, rèn luyện kỹ năng sống). Giáo viên đang hưởng lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm. Tuy vậy, trên địa bàn thành phố vẫn có nhiều giáo viên tiểu học tổ chức dạy thêm cho học sinh của chính mình. Cháu N – học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Chi Lăng vẫn tuần 3 buổi (thứ tư, thứ 6, chủ nhật) đến khu Cửa Bắc, mỗi buổi từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối học thêm với cô giáo chủ nhiệm lớp. Cháu cho biết, lớp học thêm của cháu có 13 bạn cùng lớp ở trường, môn học thêm là môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Bố mẹ cháu cho biết, mặc dù cháu học khá song vẫn phải đi học thêm nên mỗi tháng anh chị phải dành 400 ngàn để nộp học phí học thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố cho biết, phòng đã chỉ đạo cho các trường tiểu học và các trường THCS thực hiện nghiêm túc về vấn đề dạy thêm. Thanh tra phòng cũng nhiều lần đi kiểm tra các nhà trường về công tác này. Song việc dạy thêm ngoài nhà trường vẫn diễn biến rất phức tạp. Có một thực trạng là phụ huynh tổ chức học thêm và “thuê” cô giáo đến dạy với mức tiền công rất cao (từ 400-500 ngàn đồng/tiết), nên nhiều giáo viên tham gia. Dạy thêm nhiều, mệt mỏi, lên lớp ở trường nhiều người chỉ làm cho tròn phận sự. Phòng vẫn biết là có giáo viên tiểu học dạy chính học sinh của mình, song không thể vào nhà họ để kiểm tra “bắt tận tay, day tận trán”.
Cô giáo Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TPLS) rèn luyện chữ viết cho học sinh
Không thể phủ nhận lợi ích của dạy thêm, học thêm, đã có rất nhiều học sinh từ khá lên giỏi, từ học lực trung bình mà thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ nhờ học thêm. Dạy thêm là sự đáp ứng nhu cầu xã hội. Song dạy thêm theo hình thức mà cô giáo ở Trường Tiểu học Chi Lăng tổ chức có phải là “nhu cầu xã hội” hay không hay đó chỉ là một kiểu “làm kinh tế” trên đầu học sinh của chính mình. Và “thu nhập thêm” mỗi tháng trên 5 triệu đồng như vậy, liệu có phải là thu nhập chính đáng hay không?
Thông tư số 17/2012 của Bộ GD&ĐT, Quyết định số 05/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh sẽ được thực hiện vào cuối tháng 5 này. Theo đó tất cả giấy phép đã cấp trước đây đều bãi bỏ, thay vào đó là giấy phép mới. Tuy nhiên, những người “dạy chui” họ đâu có cần giấy phép. Muốn đưa việc dạy thêm học thêm ngoài nhà trường vào nền nếp, vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân, vừa chống tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, ngành GD&ĐT cần tăng cường giáo dục “giáo đức” cho đội ngũ; phát hiện và áp dụng các hình thức kỷ luật thích đáng đối với các giáo viên bất chấp quy định, đạo đức nghề nghiệp để “làm tiền học sinh”. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và cơ quan chức năng. Phải coi “dạy chui”, dạy trái quy định là hành động vi phạm pháp luật và phải bị xã hội lên án; bị phạt theo quy định xử phạt hành chính. Một bác sĩ, dược sĩ hành nghề “chui” bị xử phạt nặng; tại sao một giáo viên hành nghề “chui” lại không bị xử phạt?
Ý kiến ()