Quản lý đầu tư xây dựng ở cấp xã
Phân cấp đầu tư là chủ trương đúng đắn nhưng phân cấp trong bối cảnh năng lực quản lý của chủ đầu tư không theo kịp yêu cầu đã dẫn đến hậu quả: công trình chậm tiến độ, chất lượng kém, không đưa được vào sử dụng... gây lãng phí, thất thoát vốn ngân sách nhà nước. Thực tế ở huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã cho thấy điều này.
Chủ đầu tư quá “dễ dãi” với nhà thầu
Minh Hóa là huyện nghèo của tỉnh Quảng Bình. Những năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều công trình dân sinh được xây dựng giúp cải thiện đời sống người dân nơi đây. Theo số liệu của Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Minh Hóa, đến tháng 8-2014, toàn huyện có 11 công trình với tổng số vốn 29,47 tỷ đồng đang trong tình trạng dang dở do nhà thầu bỏ thi công. Công trình nhà bán trú của Trường tiểu học – THCS Dân Hóa khởi công xây dựng năm 2010 nhưng đến nay chỉ đổ được một phần móng nhà và mấy trụ bê-tông. Công trình có số vốn 3,52 tỷ đồng do UBND xã Dân Hóa làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tây Sơn thi công. Qua kiểm tra của UBND huyện Minh Hóa, giá trị xây lắp thực tế của công trình khoảng 500 triệu đồng nhưng chủ đầu tư nghiệm thu khống khối lượng và thanh toán cho nhà thầu 1,35 tỷ đồng. Sau khi nhận số tiền này, Công ty TNHH Tây Sơn dừng thi công và bỏ hoang công trình gần bốn năm nay. Chủ tịch UBND xã Dân Hóa Hồ Tuân cho biết: “Xã hợp đồng với Công ty TNHH tư vấn xây dựng Phú Minh làm tư vấn giám sát và quản lý dự án. Mọi thủ tục đều do đơn vị này thực hiện, đến khi họ trình bảo ký chuyển tiền là xã chuyển. Không ngờ chuyển tiền xong, nhà thầu trốn luôn”.
Ngoài ra trên địa bàn xã Dân Hóa còn có hai công trình là đường giao thông bản Tà Rà – Hà Nông (2,81 tỷ đồng) và đường giao thông bản Tà Leng (3,08 tỷ đồng) do xã làm chủ đầu tư đều đã nghiệm thu và chuyển hết tiền cho đơn vị thi công nhưng thực tế công trình chưa hoàn thành. Riêng đường giao thông bản Tà Rà- Hà Nông, chủ đầu tư nghiệm thu vượt quá khối lượng thi công 268 triệu đồng.
Tương tự tại xã biên giới Hóa Sơn, Chủ tịch UBND xã Ðinh Xuân Ðại quá “dễ dãi” khi thanh toán cho nhà thầu số tiền rất lớn nhưng khối lượng thực hiện thì ngược lại. Cụ thể: công trình đường giao thông nội vùng bản Hóa Lương có tổng mức đầu tư 3,46 tỷ đồng, khởi công tháng 10-2012, chủ đầu tư đã cho nhà thầu là Công ty CP xây dựng Hải Ðình tạm ứng 1,43 tỷ đồng trong khi khối lượng thực tế khoảng 100 triệu đồng. Ðược ứng tiền, nhà thầu bỏ thi công luôn. Công trình đường nội vùng thôn Ðặng Hóa khởi công năm 2010, Công ty TNHH Tây Sơn mới hoàn thành bốn cống hộp nhưng được chủ đầu tư thanh toán 993 triệu trong tổng số 1,75 tỷ đồng tổng vốn đầu tư. Công trình nhà lớp học hai tầng gồm bốn phòng học tại Trường tiểu học – THCS Hóa Sơn, xây dựng năm 2010 và cũng do Công ty TNHH Tây Sơn thi công. Ðến giữa tháng 9-2014, tầng một của công trình vẫn dang dở, nhưng ông Ðinh Xuân Ðại đã ký thanh toán cho nhà thầu 537 triệu đồng. Theo kết quả kiểm tra của UBND huyện Minh Hóa, thực tế là chủ đầu tư đã nghiệm thu khống cho nhà thầu là 437 triệu đồng, hiện nay công trình không được thi công.
Trong khi những công trình lớp học cao tầng được đầu tư xây dựng có giá trị hàng tỷ đồng đang bị bỏ hoang hoặc trở thành nơi nhốt trâu bò thì học sinh huyện vùng cao này phải học nhờ và ở nhờ trong những phòng học, phòng ở tạm bợ. Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học – THCS Hóa Sơn Nguyễn Văn Bằng cho biết, bốn lớp học khối THCS hiện phải học nhờ phòng học của học sinh tiểu học. Do phải san sẻ phòng học cho các anh chị THCS nên các em tiểu học không thực hiện được việc học bán trú hai buổi/ngày. Cũng vì thiếu phòng học mà việc bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc phụ đạo cho học sinh yếu của trường gặp khó khăn. Công trình nhà ở bán trú Trường tiểu học- THCS Dân Hóa bị bỏ hoang nên nhiều năm qua hơn 200 học sinh dân tộc thiểu số phải ở nhờ nhà dân. Việc làm này gây ra nhiều khó khăn trong quản lý học sinh của nhà trường, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học.
Năng lực quản lý yếu
Thời gian gần đây, tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh việc phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cũng như phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, trong đó quy định UBND xã được làm chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản. Ðây là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nhằm tăng cường sự giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất hiện nay chính là năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ lãnh đạo UBND xã, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng. Do còn nhiều hạn chế nên chủ đầu tư thường “phó thác” toàn bộ dự án cho đơn vị tư vấn quản lý dự án, giám sát và nhà thầu. Hậu quả là công trình chậm tiến độ, bỏ hoang hoặc kém chất lượng. Các nhà thầu chủ yếu là công ty tư nhân quy mô nhỏ, hoạt động theo kiểu “đánh lẻ”, “chạy” được dự án và “tỷ tê” chủ đầu tư để được ứng số vốn lớn là “bùng” luôn.
Thực tế này cho thấy, các cơ quan chuyên môn của huyện Minh Hóa đã buông lỏng quản lý để chủ đầu tư là UBND các xã quá dễ dãi với nhà thầu dẫn đến sai phạm. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Nguyễn Lương Bình cho rằng: “Ở các xã này, cán bộ không có chuyên môn về quản lý xây dựng nên trong quá trình thực hiện dẫn đến nhiều vi phạm, thậm chí là thanh toán khống cho nhà thầu. Ðây là bài học đau xót trong quản lý ở địa phương mà chúng tôi đang kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân vi phạm để xử lý. Ðồng thời Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện và các ngành tập trung khắc phục hậu quả để tiếp tục thi công các công trình, sớm đưa vào sử dụng”.
Ðược biết, Công an tỉnh Quảng Bình đang điều tra làm rõ các sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng công trình tại huyện Minh Hóa. Qua đó, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Chủ tịch và kế toán UBND xã Dân Hóa, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn do vi phạm trong việc quản lý đầu tư các công trình xây dựng trên địa bàn do UBND xã làm chủ đầu tư.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()