Quản lý, đầu tư tôn tạo di tích
LSO-Bắc Sơn là huyện có nhiều điểm, khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh của tỉnh. Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, trung ương, công tác quản lý, bảo vệ, xếp hạng và bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích, danh thắng của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn.
Di tích Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ được đầu tư tôn tạo |
Hiện nay, huyện Bắc Sơn có 47 điểm, khu di tích với 4 loại hình gồm: 18 khu, điểm di tích lịch sử; 23 di tích kiến trúc nghệ thuật; 4 di tích khảo cổ; 2 di tích danh lam thắng cảnh; trong đó có 16 điểm, khu di tích được xếp hạng. Để công tác quản lý, tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa có hiệu quả, UBND huyện đã ban hành các văn bản theo thẩm quyền triển khai thực hiện các quy định của nhà nước như: Luật Di sản văn hóa, các nghị định, thông tư về quản lý di tích lịch sử văn hóa các xã, thị trấn trên địa bàn. Do đó, các di tích trên địa bàn huyện nhìn chung được quản lý và bảo vệ hiệu quả. Đặc biệt, các di tích trên địa bàn huyện đã được kiểm kê, phân loại, xếp hạng theo quy định; các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát thực địa nhằm xác định khu vực đất di tích có đủ điều kiện đăng ký cấp quyền sử dụng đất di tích.
Bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa, từ năm 1997 đến năm 2017, huyện Bắc Sơn có 23 điểm và khu di tích được trùng tu, tôn tạo với 34 lượt, tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hơn 22 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa gần 3 tỷ đồng. Nhận thức được vai trò, giá trị của khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn, những năm qua, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý, chuyên môn đã tổ chức khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới, đầu tư tôn tạo, xây dựng các bia tưởng niệm, bia ghi dấu sự kiện, cắm biểu tượng, tượng đài chiến thắng để tuyên truyền, giới thiệu nội dung, ý nghĩa di tích đến với nhân dân trong và ngoài tỉnh với tổng kinh phí 21.455 triệu đồng. Cụ thể, một số di tích được huyện và cấp cơ sở quan tâm đầu tư, tôn tạo và bảo vệ như: di tích Bó Tát, đồi Nà Kheo, Sa Khao, hang Mỏ Rẹ (xã Tân Hương); di tích Đình Nông Lục, Đồn Mỏ Nhài (xã Hưng Vũ); di tích Thâm Thoong – Lập dị, Trường Vũ Lăng (xã Vũ Lăng); di tích Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ); địa điểm di tích Lân Pán, Lân Tày – Mỏ Pia (xã Tân Lập) và di tích Đèo Tam Canh (xã Long Đống)… Đặc biệt, ngày 31/3/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 580 về phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng đề án phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cho 4 xã An toàn khu (ATK) và vùng ATK huyện Bắc Sơn đến năm 2025. Theo đó, bên cạnh việc phát triển kinh tế, xã hội, mục tiêu đề án hướng tới là tôn tạo, bảo tồn các điểm di tích lịch sử, xây dựng các xã vùng ATK huyện Bắc Sơn trở thành một khu du lịch – lịch sử – văn hóa – sinh thái của cả nước, xứng tầm với khu di tích lịch sử cấp quốc gia, nguồn kinh phí dự kiến khoảng 112.150 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn còn có những khó khăn, hạn chế như: hệ thống các điểm di tích chưa được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ, quy mô đầu tư xây dựng chưa tương xứng với nội dung, giá trị di tích. Mặt khác, do tác động của tự nhiên và xã hội nên có nhiều điểm di tích đã bị ảnh hưởng, xuống cấp nghiêm trọng… Để phát huy, khai thác cũng như bảo tồn, tôn tạo các di tích, thời gian tới, Bắc Sơn cần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về công tác quản lý, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác kiểm kê di sản văn hóa tại các di tích trên địa bàn huyện và khuyến khích, huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp các di tích đang xuống cấp, các trang thiết bị cho hoạt động văn hóa, thể thao trong các dịp lễ hội.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()