Quản lý đảng viên đi xa nơi cư trú
Học viên học nghề may tại Trung tâm dạy nghề huyện Vụ Bản (Nam Định). Khi đất nông nghiệp bị thu hẹp, năng suất lao động nông nghiệp thấp, thiếu việc làm, nhiều lao động khu vực nông thôn phải đi làm ăn xa nơi cư trú, trong đó có không ít đảng viên. Trước tình trạng gia tăng đảng viên làm kinh tế xa nơi cư trú, việc quản lý, giáo dục, phân công nhiệm vụ đảng viên và đánh giá chất lượng đảng viên thuộc diện này đang gặp nhiều vướng mắc, cần sự nỗ lực phối hợp của các cấp ủy.Vấn đề nảy sinhChúng tôi về một số địa phương thuộc hai tỉnh Hà Nam, Nam Định. Quan sát khu vực chung quanh trụ sở Đảng ủy xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, chúng tôi nhận thấy, đất màu phơi trắng, cả cánh đồng gần như vắng bóng người. Tại sao không tận dụng đất trồng rau màu vụ đông? Thắc mắc của chúng tôi được Bí thư Đảng ủy xã giải đáp: Về diện tích cây vụ đông, Liên Bảo đứng gần nhất huyện. Nhưng thu nhập từ hai vụ lúa, cộng rau...
![]() Học viên học nghề may tại Trung tâm dạy nghề huyện Vụ Bản (Nam Định). |
Vấn đề nảy sinh
Chúng tôi về một số địa phương thuộc hai tỉnh Hà Nam, Nam Định. Quan sát khu vực chung quanh trụ sở Đảng ủy xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, chúng tôi nhận thấy, đất màu phơi trắng, cả cánh đồng gần như vắng bóng người. Tại sao không tận dụng đất trồng rau màu vụ đông? Thắc mắc của chúng tôi được Bí thư Đảng ủy xã giải đáp: Về diện tích cây vụ đông, Liên Bảo đứng gần nhất huyện. Nhưng thu nhập từ hai vụ lúa, cộng rau màu, trừ chi phí, còn lại khoảng hơn ba triệu đồng/sào/năm. Trung bình mỗi khẩu được chia 1,5 sào ruộng, làm cật lực cũng không đủ chi tiêu. Trong khi họ đi làm trên thành phố mỗi ngày công cũng gần trăm nghìn đồng. Vì thế, lực lượng lao động trẻ, khỏe phần lớn đều rời quê đi hết…
Đến huyện Lý Nhân (Hà Nam), chúng tôi được biết, tổng số dân toàn huyện là hơn 190 nghìn người, trong đó khoảng chín nghìn lao động đi làm ăn xa quê. Là huyện thuần nông, Lý Nhân không có các cơ sở công nghiệp quy mô lớn, đất chật, người đông, do đó, số lượng lao động đi làm ăn ở các địa phương khác ngày càng tăng. Nhu cầu đi làm ăn xa nơi cư trú của lao động khu vực nông thôn, trong đó có số lượng không nhỏ đảng viên là chính đáng. Tuy nhiên, từ đó lại đặt ra những vấn đề cần lưu ý trong công tác quản lý đảng viên.
Đảng bộ tỉnh Nam Định có 98.380 đảng viên, thì khoảng hơn năm nghìn đảng viên đi làm ăn xa, trong đó gần ba nghìn đảng viên đi từ sáu tháng trở lên, phần lớn là đảng viên khu vực nông thôn, tranh thủ lúc nông nhàn; tập trung nhiều ở các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh… Đảng bộ huyện Lý Nhân (Hà Nam) có 73 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), với hơn 7.400 đảng viên, trong đó 260 đảng viên đi làm ăn xa. Những đảng viên này được chi bộ và đảng ủy cơ sở đồng ý cho phép tạm miễn sinh hoạt và công tác trong thời gian từ hơn ba tháng đến dưới một năm. Tại một số chi bộ, điều này ảnh hưởng không nhỏ chất lượng sinh hoạt chi bộ và thực hiện nhiệm vụ chính trị của TCCSĐ. Bí thư Chi bộ 6, thôn Liên Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản Dương Văn Nam cho biết, Chi bộ có 13 đảng viên, thì ba đảng viên được miễn sinh hoạt do tuổi cao, một đảng viên trẻ được tạm miễn sinh hoạt do đi làm xa, số còn lại phần lớn đã hơn 60 tuổi, do đó mỗi khi tổ chức quán triệt, thực hiện các nghị quyết của cấp ủy là khá khó khăn. Trong khi đó nhiều năm liền, chi bộ không kết nạp được đảng viên vì không có nguồn…
Trên thực tế, còn rất nhiều đảng viên đi làm không cách nhà quá xa, có thể thường xuyên đi về nơi cư trú, vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ hằng tháng, nhưng không gắn bó với chi bộ và khu dân cư, do vậy không nắm được tình hình kinh tế, xã hội của địa phương; việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên hạn chế; không được chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể. Việc giữ mối liên hệ giữa cấp ủy nơi đảng viên sinh hoạt với cấp ủy, đơn vị, địa phương nơi đảng viên đến làm việc không được duy trì thường xuyên, do đó việc kiểm điểm đảng viên hằng năm chỉ dựa trên bản tự kiểm điểm của đảng viên, dẫn đến việc đánh giá, phân loại mang nặng tính hình thức. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nam Định, năm 2010, toàn tỉnh có gần ba nghìn đảng viên không dự đánh giá chất lượng đảng viên, do đi làm ăn xa không về kịp, chiếm 3,01% tổng số đảng viên. Cá biệt, tại một số địa phương, có tình trạng, do ngại các thủ tục xin phép, báo cáo, chuyển sinh hoạt đảng… trước khi đi làm ăn xa, nhất là đi xuất khẩu lao động, một số đảng viên đã làm đơn xin ra khỏi Đảng. Ở Đảng bộ huyện Vụ Bản, từ năm 2006 đến 2010, có 16 đảng viên đi lao động ở nước ngoài, chỉ có ba trường hợp chuyển sinh hoạt đảng, hai trường hợp xin ra khỏi Đảng, mười trường hợp khác bị xóa tên do vi phạm Điều lệ Đảng. Từ đầu năm 2011 đến nay, thêm mười trường hợp đảng viên đi làm ăn xa, bỏ sinh hoạt quá ba kỳ liên tiếp, bị xóa tên, trong đó có ba trường hợp đi lao động ngoài nước.
Có giải pháp, nhưng còn lúng túng
Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kim Bảng (Hà Nam) Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: Đảng viên có nhu cầu đi làm kinh tế xa nơi cư trú, không thể tham gia sinh hoạt đảng thường kỳ phải viết đơn. Chi ủy xem xét, nếu thấy đủ điều kiện thì đề nghị đảng ủy cơ sở cho đảng viên tạm miễn sinh hoạt và công tác không quá một năm. Trách nhiệm của đảng viên phải thực hiện nghiêm túc việc đăng ký tạm trú với chính quyền nơi đến làm việc và giữ gìn tư cách đảng viên, hết thời gian, đảng viên viết bản kiểm điểm, có xác nhận của cấp ủy, cơ quan, chính quyền nơi đến làm việc, báo cáo chi bộ. Trường hợp đảng viên cần tiếp tục đi thêm đợt mới, thì có đơn báo cáo chi bộ, để tiếp tục xem xét quyết định. Trong cùng thời điểm, đảng ủy cơ sở và chi bộ duyệt số đảng viên đi xa nơi cư trú từ một tháng đến dưới sáu tháng, không quá 15%; từ sáu tháng đến dưới một năm, không quá 5% số đảng viên của chi bộ.
Không chỉ ở huyện Kim Bảng mà tại Đảng bộ thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, việc xem xét tạm thời miễn sinh hoạt và công tác cho đảng viên đi làm ăn xa cũng được thực hiện nghiêm túc. Hồ sơ đảng viên đi làm kinh tế xa nơi cư trú được chi bộ, đảng ủy cơ sở quản lý khá chặt chẽ. Nhưng không phải ở đâu và lúc nào quy định này cũng có tính khả thi vì nhiều đảng viên đi làm xa không có nghề nghiệp, nơi làm việc, nơi ở ổn định, do đó, việc xin xác nhận của cấp ủy, chính quyền nơi đến là khó khăn, nhiều khi không thực hiện được. Phần lớn đảng viên khi trở về đều thiếu các giấy tờ xác nhận cần thiết nêu trên. Tình trạng này gây nhiều khó khăn cho chi bộ trực tiếp quản lý đảng viên.
Về lâu dài vẫn phải giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Theo đó, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn; về phát triển kinh tế gia trại, trang trại, xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ… mở rộng nghề mới, khuyến khích đầu tư để các doanh nghiệp thu hút lao động ở lại địa phương, không đi làm ăn xa.
Đôi điều kiến nghị
Đồng chí Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Vụ Bản băn khoăn: Việc khó kết nạp đảng viên ở khu vực nông thôn cùng tình trạng đảng viên đi làm ăn xa, không dự sinh hoạt ba lần liên tiếp bị xóa tên, hoặc tự làm đơn xin ra khỏi Đảng không giảm là một trong những nguyên nhân làm suy yếu vai trò lãnh đạo của TCCSĐ. Khắc phục tình trạng này, một mặt cấp ủy đã nỗ lực tuyên truyền, vận động để đảng viên hiểu và thực hiện các thủ tục về sinh hoạt Đảng trước khi đi làm kinh tế xa, nhưng mặt khác cũng đành chấp nhận một số trường hợp xin ra khỏi Đảng, hoặc xóa tên đảng viên, nhất là một số trường hợp đi lao động ngoài nước. Trong đó, không ít trường hợp do ngại làm các thủ tục chuyển sinh hoạt đảng, xin xác nhận, mà bỏ sinh hoạt hoặc xin ra khỏi Đảng.
Xác nhận thực tế này, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Ngoài nước Lê Công Bằng cho biết, theo quy định, đảng viên ra nước ngoài làm việc tròn 12 tháng trở lên phải chuyển sinh hoạt đảng đến Đảng ủy Ngoài nước. Đảng ủy Ngoài nước sẽ làm các thủ tục theo quy định để cấp ủy đảng ở nước sở tại tiếp nhận và bố trí sinh hoạt đảng. Tuy nhiên, thủ tục này gây nhiều phiền hà cho đảng viên, nhất là những người ở các tỉnh xa. Bởi thế, cần có sự phối hợp của các tỉnh ủy, thành ủy trong công tác hướng dẫn, giới thiệu, tiếp nhận, quản lý đảng viên. Theo đó, mọi thủ tục đề nghị, xét duyệt và quản lý hồ sơ nên ủy quyền cho huyện ủy, nơi đảng viên sinh hoạt đảm nhiệm và thực hiện, sau đó chuyển danh sách đảng viên đi làm kinh tế ngoài nước qua đường fax hoặc thư điện tử đến Đảng ủy Ngoài nước. Đảng ủy Ngoài nước có trách nhiệm thông báo cho TCCSĐ của ta ở ngoài nước để quản lý đảng viên trong thời gian ở nước ngoài.
Với đảng viên đi làm kinh tế trong nước, Hướng dẫn số 03 của Ban Tổ chức T.Ư quy định, đảng viên đi ra ngoài địa phương nơi cư trú là chính đáng và thời gian dưới 12 tháng, thì chi bộ xét, đề nghị đảng ủy cơ sở cho đảng viên được tạm miễn sinh hoạt đảng và công tác trong thời gian đó… Trường hợp đảng viên cần tiếp tục đi thêm đợt mới, phải có đơn báo cáo với chi bộ để chi bộ xem xét, quyết định. Nhưng đảng viên được miễn sinh hoạt nhiều nhất mấy lần thì cấp ủy còn lúng túng. Có trường hợp đảng viên đi nhiều năm liền, việc báo cáo chi bộ và xin gia hạn chỉ thực hiện được bằng điện thoại, nhưng vì nhu cầu việc làm của đảng viên, cho nên chi bộ không thể không đồng ý. Vì thế, việc xếp loại hoàn thành nhiệm vụ đối với những đảng viên thuộc diện này như quy định hiện hành cũng chưa thật sự thỏa đáng, vì những đảng viên này không được chi bộ phân công nhiệm vụ, không đóng góp gì trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Vì thế, Trung ương cần có quy định, hướng dẫn cụ thể, tạo mối liên hệ giữa các tổ chức đảng nơi đảng viên đăng ký sinh hoạt và các tổ chức đảng nơi đảng viên đến làm việc, cư trú tạm thời để hai bên cùng có trách nhiệm trong việc quản lý, nhận xét, đánh giá đảng viên, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc gây khó cho đảng viên.
Theo đồng chí Nguyễn Quang Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức T.Ư, để khắc phục việc chi bộ chỉ biết tin vào tự kiểm điểm của đảng viên, đồng thời hạn chế tình trạng thiếu thông tin về đảng viên khi làm việc xa nơi cư trú, ngoài quy định bắt buộc phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ thì cần quy định đảng viên nhất thiết phải khai báo rõ, chính xác địa chỉ đang làm việc, cư trú tạm thời với tổ chức đảng để tổ chức đảng khi cần thiết có thể cử người hoặc phối hợp tổ chức đảng, chính quyền nơi đảng viên làm việc, tạm trú để xác minh.
Quản lý đảng viên thường xuyên làm việc xa nơi cư trú là việc làm cần thiết, bảo đảm nguyên tắc hoạt động của Đảng, song nên quy định hợp lý để tạo điều kiện cho họ có thể làm kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()