Quản lý công trình cấp nước sinh hoạt: Hiệu quả ở Nam Quan
Thành viên tổ quản lý thôn kiểm tra đồng hồ đo nước tại thôn Khòn Mùn
– Nhằm nâng cao hiệu quả công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, từ năm 2019, chính quyền xã Nam Quan, huyện Lộc Bình đã thành lập Ban Quản lý công trình cấp nước cấp xã và từ năm 2020, thành lập các tổ quản lý ở các thôn, thực hiện quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình nước sạch. Qua đó, đảm bảo các công trình cấp nước vận hành hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nam Quan là xã vùng 3 của huyện Lộc Bình, hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân còn nhiều hạn chế, trong đó, đặc biệt là hạ tầng liên quan đến cấp nước sạch sinh hoạt. Được sự quan tâm của Nhà nước, từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn xã được đầu tư 3 công trình cấp nước tập trung để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân tại các thôn: Nà Tủng, Khòn Mùn, Nà Pá, Thồng Lốc. Tuy nhiên trước đây, do công tác quản lý còn hạn chế nên chỉ sau vài năm, các công trình xuống cấp, hoạt động không hiệu quả.
Trước thực trạng đó, năm 2019, UBND xã đã thành lập Ban Quản lý các công trình cấp nước tập trung cấp xã (gồm 5 người), có nhiệm vụ vận hành hệ thống cấp nước thường xuyên; kiểm tra định kỳ đường ống, bể lọc; lập kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng các hạng mục công trình bị hư hỏng. Đồng thời, trong năm 2020, UBND xã chỉ đạo các thôn có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thành lập tổ quản lý cấp thôn (gồm 2 người) có trách nhiệm kiểm tra định kỳ hằng tháng để khi có sự cố hỏng hóc sẽ sửa chữa kịp thời. Cùng với đó, UBND xã, các thôn tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận đóng góp kinh phí theo mức sử dụng nước để có nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng định kỳ.
Ông Tô Văn Thượng, Trưởng thôn Khòn Mùn, thành viên tổ quản lý cho biết: Năm 2003, thôn được Nhà nước đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung từ nguồn vốn Chương trình 135, tuy vậy, do chưa có chủ thể quản lý nên một số hộ đầu nguồn sử dụng nước lãng phí, khiến một số hộ cuối nguồn không có nước để sinh hoạt, thêm vào đó, đường ống dẫn nước bị hỏng, rò rỉ không được sửa chữa,… Vì vậy, các công trình xuống cấp nhanh chóng. Năm 2019, được sự quan tâm của huyện và UBND xã, công trình cấp nước trên địa bàn thôn được sửa chữa. Để công trình hoạt động hiệu quả, năm 2020, thôn thành lập tổ quản lý, có trách nhiệm kiểm tra 3 lần/tháng về hiện trạng công trình cấp nước. Nhờ đó, đến nay, công trình vẫn đảm bảo hoạt động tốt.
Bà Vi Thị Biên, người dân thôn Khòn Mùn phấn khởi: Thông qua cuộc họp thôn, gia đình tôi hoàn toàn nhất trí ủng hộ việc thu phí sử dụng nước để có nguồn duy tu, bảo dưỡng công trình và quản lý. Trung bình mỗi tháng, gia đình chúng tôi chi trả khoảng 60.000 đồng, tùy vào lượng nước đã dùng. Số tiền dùng nước một tháng không đáng kể, gia đình lại được sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh.
Không chỉ riêng thôn Khòn Mùn, các thôn có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn xã đang thực hiện hiệu quả mô hình thu phí sử dụng nước sạch. Đến nay, toàn xã có hơn 200 hộ lắp đặt đồng hồ đo nước tại 4/4 thôn (được hưởng lợi từ các công trình cấp nước tập trung). Với mức phí 3.000 đồng/m3 nước, ban quản lý cấp xã và các tổ quản lý ở các thôn có quỹ để vận hành và bảo trì công trình cấp nước tập trung.
Ông Vi Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Quan, Trưởng Ban Quản lý công trình cấp nước xã cho biết: Rút kinh nghiệm từ công tác quản lý công trình nước sạch lần trước, lần này xã đã xây dựng quy định để Ban Quản lý nước của xã, tổ quản lý ở các thôn và người dân thống nhất thực hiện nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, phá hoại công trình cấp nước sinh hoạt. Đến nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt 99%. Các công trình cấp nước đảm bảo vận hành hiệu quả.
Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình nhận xét: Nam Quan là một trong những xã chủ động, thực hiện hiệu quả trong việc quản lý, khai thác sử dụng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; góp phần tăng tỷ lệ người dùng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện, nâng cao sức khỏe, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đây là mô hình quản lý rất tốt, có thể nhân rộng trên địa bàn huyện.
MAI LINH
Ý kiến ()