Chính quyền làm ngơ
Từ năm 2014, khu vực đồi Vải trở thành một “đại công trường” khai thác đất đá trái phép. Hàng chục máy xúc, máy ủi cỡ lớn hoạt động liên tục, xe tải hạng nặng chở đất đá ra, vào tấp nập. Để thuận lợi cho công việc khai thác, vận chuyển đất đá, các đối tượng còn mở một con đường dài hơn 100 m từ chân đồi thẳng ra tỉnh lộ 84. Đất đá rơi vãi khắp nơi, khiến trục đường luôn đỏ quạch bùn đất. Trời nắng thì bụi bặm, trời mưa thì lầy lội. Sự việc đã diễn ra trong thời gian dài, với quy mô lớn như vậy, nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp kịp thời ngăn chặn. Hậu quả là đến nay khoảng một phần ba quả đồi rộng gần 10 ha đã bị san phẳng. Hàng chục nghìn m3 đất đá bị khai thác trái phép, khiến người dân bức xúc. Anh Nguyễn Văn T, một người dân sinh sống gần khu vực này cho biết, các phương tiện hoạt động suốt ngày đêm, gây tiếng ồn lớn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền, nhưng không có chuyển biến.
Đến đầu năm 2016, UBND xã Yên Bài mới tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm, nhưng không tiến hành các biện pháp xử lý, ngăn chặn, cho nên hoạt động khai thác đất đá trái phép vẫn diễn ra. Chỉ đến khi một số cơ quan báo chí phản ánh, UBND huyện Ba Vì lập đoàn kiểm tra xuống hiện trường và yêu cầu UBND xã Yên Bài có biện pháp xử lý, thì sự việc mới có chuyển biến. Tại biên bản kiểm tra hiện trạng do đoàn công tác của UBND huyện Ba Vì lập ngày 8-4-2016 nêu rõ, khu vực đồi Vải vốn là khu đất của Nông trường hữu nghị Việt Nam-Mông Cổ giao cho ông Phan Huy Thùy quản lý, sử dụng. Năm 2015, ông Thùy tiến hành san ủi khu đồi với mục đích trồng cỏ, sau đó cho một người khác vào khai thác đất đá. Việc các đối tượng tự ý tổ chức đào bới, vận chuyển đất đá đi nơi khác đã làm biến dạng, thay đổi hiện trạng khu đất. Đoàn công tác đề nghị UBND xã Yên Bài xử lý theo thẩm quyền, tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ, không để vi phạm tái diễn.
Mặc dù yêu cầu của đoàn công tác đã được thực hiện, việc khai thác đất đá đã được ngăn chặn, nhưng lãnh đạo UBND xã Yên Bài vẫn cho rằng, chính quyền không có trách nhiệm quản lý đất đai tại khu đồi Vải nói riêng cũng như toàn bộ diện tích đất nông trường do chưa được bàn giao, cắm mốc giới trên thực địa. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Quốc Huy cho biết, khu vực đồi Vải thuộc đất nông trường quản lý. Chính quyền chỉ có trách nhiệm quản lý về công tác hành chính, con người, chưa nhận bàn giao đất đai cho nên không có trách nhiệm quản lý.
Chồng chéo trách nhiệm
Nông trường hữu nghị Việt Nam-Mông Cổ được thành lập năm 1984 và thực hiện phương án cổ phần hóa, chuyển thành Công ty cổ phần Việt- Mông vào năm 2006. Theo phương án cổ phần hóa, trong tổng diện tích 1.100 ha đất của nông trường, công ty được quản lý, sử dụng gần 30ha, còn lại, hơn 1.000 ha đất giao cho địa phương. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng tiến hành đo đạc để lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, thì diện tích thực tế chỉ còn lại hơn 940 ha, hơn 150 ha đã “bốc hơi”. Năm 2007, Công ty cổ phần Việt Mông đã lập dự án “Làng chè sinh thái Việt- Mông” và được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) chấp thuận, cho phép triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết thì dự án phải dừng lại khi tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội để rà soát phục vụ việc lập quy hoạch chung. Từ đó đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai tiếp.
Cùng với việc chưa có quy hoạch chi tiết sử dụng đất, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại nông trường bị buông lỏng trong thời gian dài, dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất sai quy định. Nhiều trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà ở không phép, mua bán trao tay… diễn ra. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Việt- Mông Trương Hồng Ngọc chia sẻ, hiện nay công ty chỉ quản lý về sổ sách, còn công tác quản lý hành chính đã giao về cho các địa phương. Do chưa có quy hoạch sử dụng đất và quyết định bàn giao, cho nên công tác quản lý, sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến các vi phạm đất đai như tại khu vực đồi Vải. Công ty rất mong muốn các đơn vị chức năng sớm hoàn thành đo đạc, cắm mốc ranh giới sử dụng đất và bàn giao cho địa phương quản lý.
Từ nhiều năm nay, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, trạm trại trên địa bàn huyện Ba Vì nói chung, trong đó có nông trường Việt Mông nói riêng còn lỏng lẻo, thường xuyên để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai; giao khoán, chuyển nhượng, cho thuê đất… trái pháp luật. Vì thế UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm hoàn thành công tác đo đạc, cắm mốc giới, bàn giao đất, lập hồ sơ để thành phố quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định. UBND huyện Ba Vì và các xã tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuyệt đối không để xảy ra các hành vi làm thay đổi, biến dạng hiện trạng sử dụng đất.
Ý kiến ()